Lâu nay, nhiều người vẫn truyền tụng, trước khi mất, bác sĩ A.Yersin có để lại di nguyện “được chôn nằm sấp, hai tay dang ra để ôm trọn mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa”. Câu chuyện về di nguyện của nhà bác sĩ lừng danh thế giới khiến nhiều người rất xúc động. Thế nhưng, có thật bác sĩ A.Yersin để lại di chúc như thế?
Tình yêu sâu đậm với xứ Trầm Hương
Bác sĩ A.Yersin (1863 - 1943) là người có tình cảm sâu nặng đối với mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa. Đặt chân đến Nha Trang lần đầu vào năm 1891, ông ngay lập tức “phải lòng” vùng đất này. Kể từ đó, A.Yersin đã gắn chặt phần đời còn lại của mình với Nha Trang - Khánh Hòa. Ông xây dựng phòng thí nghiệm (tiền thân của Viện Pasteur Nha Trang), lập trang trại ở Suối Dầu để nuôi ngựa lấy huyết thanh điều chế vắc xin chữa bệnh dịch hạch, dựng nhà ở Hòn Bà để nghiên cứu khoa học… Là một nhà khoa học lừng danh thế giới nhưng A.Yersin đã sống chan hòa với người dân nghèo của xóm Cồn cho đến cuối đời. Khi mất đi, ông đã được chôn trên một ngọn đồi thấp ở Suối Dầu (nay thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) với mộ phần rất đơn giản. Năm 1990, khu mộ của bác sĩ A. Yersin cùng với Bảo tàng A.Yersin, chùa Linh Sơn Pháp Ấn (nguyên là nhà ở của A.Yersin tại Suối Dầu) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia.
Du khách quốc tế tham quan Bảo tàng A.Yersin (Nha Trang). |
Theo thời gian, những cống hiến của bác sĩ A.Yersin đối với khoa học, đối với vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa ngày càng được trân trọng. Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến thăm mộ A.Yersin ngày càng nhiều. Người trông coi khu mộ bác sĩ A.Yersin vẫn thường kể cho du khách rằng, trước khi mất, bác sĩ Yersin có để lại di nguyện “được chôn nằm sấp, hai tay dang ra để ôm trọn mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa”. Không biết có phải xuất phát từ đây hay không, nhiều nhà văn, nhà báo khi viết về bác sĩ A.Yersin đều dẫn chi tiết này như một minh chứng tuyệt vời cho tình yêu của ông với mảnh đất này. Tôi cũng đã từng tin như thế, bởi câu chuyện về những lời di chúc ấy quá đỗi thiêng liêng và ý nghĩa! Thế nhưng, gần đây, trong một lần đến Bảo tàng A.Yersin (thuộc Viện Pasteur Nha Trang), tôi đã đọc bản di chúc của ông lại thấy sự thật không phải vậy.
Sự thật trong di chúc!
Trong di chúc đang được trưng bày ở Bảo tàng A.Yersin, nhà khoa học lừng danh thế giới này chỉ yêu cầu chôn ông “một cách đơn giản, không cầu kỳ, không điếu văn”. Ông không hề nhắc đến địa điểm chôn cất, cũng như việc đặt thi hài nằm sấp như người đời bây giờ vẫn truyền tụng.
Bà Cao Hoàng Đoan Thục - người quản lý Bảo tàng A.Yersin cho biết, A.Yersin là học trò của Louis Pasteur nên sau khi ông mất, người Pháp đã đem rất nhiều hình ảnh, tư liệu, vật dụng cá nhân của ông ở đây để trưng bày ở Bảo tàng Pasteur (Pháp). Năm 2017, trong chuyến công tác đến Bảo tàng Pasteur, bà đã thấy bản di chúc của A.Yersin được trưng bày ở đây nên đã xin sao lại đem về trưng bày ở Bảo tàng A.Yersin (Nha Trang). Bản di chúc ở Bảo tàng Pasteur được xác nhận là bản sao lại từ bản gốc. Bản sao này được thực hiện vào ngày 18-8-1943 (hơn 4 tháng sau khi A.Yersin mất đi), có nhân viên tư pháp ký tên. Cho đến nay, đây là bản di chúc duy nhất của A.Yersin được tìm thấy sau khi ông mất.
Trong sách A.Yersin - Người chiến thắng bệnh dịch hạch (tác giả Henri.H.Mollaret và Jacqueline Brossollet, xuất bản năm 1985), các tác giả cho biết, A.Yersin qua đời sáng 1-3-1943. Sáng hôm sau, tất cả các viện sĩ của Viện Pasteur ở Nha Trang và Suối Dầu được gọi đến để nghe ông Henry Jacotot (Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang thời đó) đọc bản di chúc mà A.Yersin đã trao lại cho ông. Nội dung bản di chúc được trích dẫn giống như bản đang được trưng bày tại Bảo tàng A.Yersin.
Bên cạnh đó, hiện nay, Viện Pasteur Nha Trang còn lưu trữ được những ghi chép của ông R.Gallois (cộng sự lâu năm của A.Yersin, phụ trách trông coi trại chăn nuôi Suối Dầu) về đám tang của bác sĩ A.Yersin, cũng như di chúc của ông. Theo ông Gallois, tang lễ của bác sĩ A.Yersin diễn ra vào lúc 8 giờ 30 sáng thứ Tư ngày 3-3 (1943) với sự tham gia của đại diện chính quyền, đại diện Viện Pasteur Paris, cùng đông đảo bạn bè, người dân Nha Trang yêu mến ông. Khi ấy, Viện Pasteur Nha Trang đã chọn Suối Dầu làm nơi chôn cất bác sĩ A.Yersin theo đúng di nguyện của ông “chôn cất đơn giản, không làm bất cứ nghi thức hay bài phát biểu nào”. “Chúng tôi đã chọn nơi chôn cất bên sườn núi đá phủ đầy cây cao su, bên hữu ngạn sông, độ cao của vị trí này mang lại một cảm giác yên tĩnh, nhất là khi có những ngọn đồi lớn hơn bao quanh. Chúng tôi dự định bố trí xung quanh mộ một khu vườn và trồng những loài hoa mà Yersin từng yêu thích. Chúng tôi nghĩ, ông ấy sẽ hài lòng trong bầu không khí yên bình trong ngôi nhà cuối cùng này, một nơi hơi tách biệt với thế giới, nhưng lại không xa những người mà ông ấy yêu quý”, ông Gallois viết ngày 8-3-1943.
Như vậy, từ di chúc A.Yersin để lại cho đến những dòng ghi chép của ông Gallois đều cho thấy bác sĩ A.Yersin đã được an táng một cách đơn giản, không hề có chuyện ông được chôn nằm sấp như những lời truyền tụng. Sự nghiệp của A.Yersin quá vĩ đại. Tình yêu của A.Yersin với Khánh Hòa là điều không có gì phải nghi ngờ, hay bàn cãi. Thế nên, không cần thiết phải thêm thắt về di nguyện của ông!
XUÂN THÀNH
Nguyên văn bản di chúc của bác sĩ A.Yersin đang được trưng bày tại Bảo tàng A.Yesin như sau:
“Tôi lập di chúc để lại cho cháu trai của tôi là Adolphe Yersin, giáo sư tại trường Anbonne (vùng Vaud, Thụy Sĩ) toàn bộ lợi tức và tiền trong tài khoản của tôi ở ngân hàng Lyon (Credit Lyonnais), phòng giao dịch A.O.2 đường Lecourbe, Paris (Tài khoản: 4156).
Adolphe Yersin sẽ chia đều những khoản tiền này cho các anh chị em của mình.
Tôi để lại cho Viện Pasteur Đông Dương tùy nghi sử dụng:
Những cơ sở mà tôi đã xây dựng.
Toàn bộ đồ đạc của tôi, tủ lạnh, máy thu vô tuyến, các máy ảnh… Và bao gồm cả tủ sách của tôi.
Tất cả dụng cụ máy móc nghiên cứu khoa học, liên quan đến vật lý địa cầu, thiên văn học, khí tượng thủy văn… thì viện có thể tặng cho Đài Thiên văn Trung tâm quan sát Phù Liễn nếu không có ai ở Viện Pasteur đủ khả năng sử dụng chúng.
Tôi mong muốn những người An Nam từng phục vụ tôi, đã già và trung thành, hưởng những món tiền trợ cấp trọn đời từ tiền lãi một trái phiếu mà tôi đã mua cho mục đích này tại Ngân hàng Hongkong Shanghai ở Sài Gòn và do ông Gallois ở Suối Dầu đứng tên. Ông Jacotot sẽ phụ trách việc phân chia những món tiền này cho họ: Trước hết là Nuôi, Dũng, Xê, tiếp theo là Trịnh Chi - người làm vườn, rồi Dũ - người chăm sóc bầy chim của tôi, sau đó là Chút - một trong những người bồi trước đây của ông R.Gallois và tất cả những người sống quanh tôi mà ông Jacotot cho là xứng đáng được nhận tiền.
Tôi mong được chôn cất đơn giản, không cầu kỳ, không điếu văn.
Nha Trang, ngày 09 tháng 09 năm 1938
Ghi chú: Tài khoản của tôi ở ngân hàng Hongkong Shanghai, và tiền trong két sắt của tôi khi đã trừ đi tất cả những khoản nợ của tôi, sẽ được thêm vào số tiền ở trên để bảo đảm cho thu nhập của những người An Nam đã từng giúp việc cho tôi”.
Bản dịch Di chúc của bác sĩ A.Yersin được trưng bày tại Bảo tàng A.Yersin.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin