05:47, 19/08/2024

79 mùa thu vang lời ca “Mười chín tháng Tám”

GIANG ĐÌNH

Cách đây tròn 79 năm, hòa vào dòng người biểu tình đấu tranh giành thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (19-8-1945) ở Hà Nội, nhạc sĩ Xuân Oanh đã vừa đi vừa viết, vừa bắt nhịp cho mọi người từng lời ca của bài hát “Mười chín tháng Tám”. Để đến hôm nay, mỗi dịp thu sang, cả nước rộn ràng kỷ niệm ngày khởi nghĩa, những giai điệu của ca khúc này lại vang lên, làm sống dậy khí thế cách mạng một thời không quên.

Hình ảnh ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 ở Hà Nội. Ảnh tư liệu. 
Hình ảnh ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 ở Hà Nội. (Ảnh tư liệu) 

“Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai/Mười chín, tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét/Tiến lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung…”. Những câu hát mở đầu ca khúc đã thể hiện rõ khí thế cách mạng ngút trời của nhân dân Hà Nội nói riêng và toàn dân tộc Việt Nam nói chung trong ngày lịch sử của đất nước. Qua những tài liệu ghi lại lời kể của nhạc sĩ Xuân Oanh về hoàn cảnh ra đời đặc biệt của ca khúc “Mười chín tháng Tám”, chúng ta biết được trong những ngày trực tiếp tham gia hoạt động tuyên truyền bí mật cho Mặt trận Việt Minh chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa ở khu vực phía nam Hà Nội, nhạc sĩ Xuân Oanh đã nung nấu việc sáng tác một bài hát về sự kiện đặc biệt này. Suốt ngày 18-8-1945, ông đắm mình trong các hoạt động chuẩn bị cho cuộc biểu tình tuần hành lớn vào ngày 19-8-1945. Đi đầu đoàn biểu tình, nhạc sĩ Xuân Oanh thấy mình đồng điệu với từng bước chân của quần chúng cần lao, nên những giai điệu, ca từ của bài hát đã vang lên một cách tự nhiên. Khi đoàn người biểu tình về đến Nhà hát Lớn cũng là lúc bài hát được hoàn thành. Đến chiều 19-8-1945, nhạc sĩ Xuân Oanh mang bài hát viết vội trên mảnh giấy đến xưởng in của một người bạn để khắc lên ván gỗ và in ra phổ biến cho mọi người. Bài hát sau đó được thu thanh và phát liên tục để cổ vũ tinh thần của các tầng lớp nhân dân cách mạng.

Lời bài hát “Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh.
Lời bài hát “Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh.

Bài hát “Mười chín tháng Tám” chỉ có 10 câu với 102 chữ, được viết theo nhịp hành khúc, với kết cấu âm nhạc khá đơn giản, chính điều đó đã giúp cho ca khúc được phổ biến một cách nhanh nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Điều làm nên sức sống trường kỳ của ca khúc này chính là những lời ca mang tính trực diện, trực tiếp nói lên mong muốn, suy nghĩ của mỗi người trong thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc: “Mười chín tháng Tám, ánh sao tự do đưa tới/Cờ bay muôn nơi, tung ánh sao vàng/Máu pha tươi hồng trên lá cờ đi khắp chốn giang sơn/Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề/Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa/Hạnh phục sáng tỏ, non sông Việt Nam”. Những yếu tố về giai điệu, ca từ đã giúp cho bài hát “Mười chín tháng Tám” nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi của Thủ đô Hà Nội để đến với đồng bào khắp mọi miền trong cả nước, từ núi rừng Việt Bắc tới bưng biền Nam Bộ.

Nhạc sĩ Xuân Oanh tên thật là Đỗ Xuân Oanh, sinh năm 1923, tại huyện Quảng Yên (nay là thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) trong gia đình nghèo, bố là thợ may, mẹ mất sớm khi ông mới 6 tuổi. Học hết tiểu học, ông phải đi làm đủ nghề để kiếm sống. Đến năm 19 tuổi, ông lên Hà Nội để vừa mưu sinh, vừa tìm cách học tiếp. Sau đó, ông được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia công tác tuyên truyền, phân phát tài liệu, sách báo cho Mặt trận Việt Minh, tham gia các hoạt động chuẩn bị Cách mạng tháng Tám 1945 tại Hà Nội. Sau này, ông lên chiến khu Việt Bắc tham gia làm Báo Cứu quốc. Năm 2007, nhạc sĩ Xuân Oanh được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ngoài ca khúc “Mười chín tháng Tám”, ông còn có các tác phẩm khác như: Quê hương anh bộ đội; Hà Nội; Bắc Kinh; Mạc Tư Khoa; Ca ngợi chế độ tốt đẹp của chúng ta; Trời sẽ lại trong xanh

GIANG ĐÌNH