22:10, 18/07/2024

Diên Khánh: Hướng tới xây dựng đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống

H.NGÂN

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, huyện Diên Khánh được định hướng phát triển trở thành đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống. Để đạt được những mục tiêu đề ra, huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ công tác lập quy hoạch đến đầu tư cơ sở hạ tầng; đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa.

Phát triển đô thị sinh thái

Theo Kế hoạch của UBND huyện Diên Khánh triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy và Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Diên Khánh thành thị xã và từng bước phát triển thành đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống. Thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết số 09 và các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện đã tạo nguồn lực, điều kiện để đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Huyện đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí và đang hoàn thiện thủ tục đề nghị công nhận trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh trong năm 2024. Đồng thời, tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện các bước để phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2025.

Cổng phía đông của Thành cổ Diên Khánh.
Cổng phía đông của Thành cổ Diên Khánh.

Ông Nguyễn Văn Gẩm - Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, để phát triển đúng định hướng, trước hết, huyện tập trung xây dựng, thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn; kêu gọi đầu tư, khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức khai thác các loại hình du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại... Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Diên Khánh đến năm 2040 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, đô thị Diên Khánh phát triển theo mô hình hỗn hợp, tập trung, hạt nhân là thị trấn Diên Khánh hiện tại với trung tâm văn hóa là khu vực Thành cổ lan tỏa ra xung quanh. Diên Khánh được phân chia thành 7 phân vùng đô thị, mỗi khu vực có định hướng phát triển riêng phù hợp với đặc thù nhằm phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế từng vùng. Trong đó, khu vực trung tâm hành chính của huyện đồng thời là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, gắn với các giá trị văn hóa - lịch sử, sinh thái nhân văn đặc trưng của Diên Khánh. Khu vực bắc sông Cái là không gian phát triển dịch vụ du lịch gắn với các giá trị văn hóa - lịch sử, sinh thái nông nghiệp. Đồng thời, phát triển nông nghiệp sạch, kinh tế trang trại nhằm thúc đẩy phát triển các điểm dân cư nông thôn, tạo ra các làng nghề ở ngoại thành. Nơi đây định hướng phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm, như: Du lịch mạo hiểm leo núi; tham quan, trải nghiệm cảnh quan trên sông Cái; du ngoạn cảnh làng quê, tham quan nhà vườn và các làng nghề truyền thống. Huyện cũng sẽ nâng cấp, mở rộng và khai thác các dịch vụ du lịch gắn với tự nhiên khu vực hồ Am Chúa, đặc biệt là gắn với khu di tích Am Chúa, nơi được định hướng là động lực chính phát triển thương mại, dịch vụ - du lịch cho toàn đô thị…

Gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Được xây dựng từ thế kỷ XVII dưới thời chúa Nguyễn Ánh, Thành cổ Diên Khánh với lối kiến trúc độc đáo là di sản có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Trải qua bao thăng trầm, tòa thành đã rêu phong theo thời gian và được đầu tư trùng tu, tôn tạo nhiều lần, song vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả và bền vững. Tháng 12-2023, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh với kinh phí hơn 166,8 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục: Tu bổ, tôn tạo tuyến thành đất; xây mới cầu vòm bắc qua hào nước ở phía bắc; chỉnh trang hình thức các cầu tại cổng nam, cổng đông và cổng tây; xây dựng thêm nhiều hạng mục, như: Tiểu công viên, bãi đậu xe, khu vệ sinh công cộng… Việc tôn tạo, phục hồi bài bản sẽ giúp cho nơi đây trở thành điểm nhấn về văn hóa, du lịch của địa phương.   

Được biết, huyện Diên Khánh hiện có 5 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và 47 di tích cấp tỉnh. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản được coi là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa của huyện. Do đó, cùng với Thành cổ, huyện Diên Khánh đã có kế hoạch đầu tư, tôn tạo các di tích văn hóa - du lịch, như: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Hương lộ 5 đến khu di tích Am Chúa; quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe tại khu di tích Am Chúa; xây dựng tuyến đường di sản từ Tháp Bà Ponagar đến Am Chúa kết nối các điểm di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh…

Theo ông Nguyễn Văn Gẩm, trong quá trình phát triển, huyện luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cách mạng của vùng đất, con người nơi đây gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, huyện tập trung đẩy mạnh các hoạt động văn hóa dân gian, như: Lễ hội Am Chúa, nghệ thuật bài chòi...; xây dựng đề án kết nối các giá trị văn hóa, khôi phục một số lễ hội văn hóa và đề án phục dựng lễ hội Văn Miếu Diên Khánh. Các ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống của huyện, như: Nem chả, đúc đồng, làm bún, bánh tráng, chằm nón… sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển, tạo ra sản phẩm đặc thù, chất lượng cao từ nguyên liệu của địa phương.

H.NGÂN