12:23, 26/06/2024

Nguồn tư liệu quý và chính thống về các căn cứ cách mạng của tỉnh Khánh Hòa

N.T

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa hoàn thành và cho phát hành tập sách: Căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa (1945 - 1975). Tập sách có dung lượng gần 290 trang, được chia làm 3 chương: Chương I. Khái quát điều kiện tự nhiên, dân cư và truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng; Chương II. Căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa (1945 - 1975); Chương III. Kết luận, bài học kinh nghiệm và giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị căn cứ cách mạng. Bên cạnh đó, còn có lời giới thiệu và phần phụ lục, tài liệu tham khảo.

Bìa tập sách Căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa (1945 - 1975).
Bìa tập sách Căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa (1945 - 1975).

Thông qua tập sách, độc giả biết thêm nhiều thông tin quý liên quan đến việc hình thành, vai trò, chiến công… gắn liền với các căn cứ cách mạng trên địa bàn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Theo đó, từ năm 1945, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Liên Khu ủy 5, tùy từng thời điểm, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã xây dựng các căn cứ ở các địa điểm khác nhau nhằm phục vụ cuộc kháng chiến. Các căn cứ cách mạng được hình thành ở Khánh Hòa dựa vào đặc điểm, lợi thế của địa phương là các vùng núi rừng hiểm trở xen lẫn các thung lũng màu mỡ, vừa giữ vai trò chống lại các hành động khủng bố, đàn áp khốc liệt của kẻ thù, vừa tạo tiền đề sản xuất “tự lực cánh sinh” thuận lợi để cách mạng từ thế bị động, giữ gìn lực lượng sang thế tiến công và giành thắng lợi sau đó. Có những căn cứ tồn tại trong thời kỳ chống thực dân Pháp, có căn cứ trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ và cũng có căn cứ tồn tại xuyên suốt hai cuộc kháng chiến. Những căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa như: Đồng Trăn - Đất Sét, Hòn Dữ, Hòn Hèo, Đá Bàn, Đồng Bò, Tô Hạp, Hòn Dù đã trở thành những địa chỉ đỏ nhằm lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Tập sách đã hệ thống hóa các căn cứ cách mạng của tỉnh theo tiến trình phát triển của cách mạng, qua đó giúp người đọc hiểu rõ hơn quá trình lựa chọn, xây dựng căn cứ, lãnh đạo nhân dân đấu tranh qua các thời kỳ.

N.T