Sáng 6-6, UBND huyện Khánh Sơn tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh “Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo”.
Lãnh đạo huyện Khánh Sơn đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh “Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo”. |
Tại buổi lễ, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao đã trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh “Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo” cho lãnh đạo huyện Khánh Sơn. Các đại biểu cũng đã nêu bật giá trị, ý nghĩa to lớn của “Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo” trong tiến trình lịch sử, văn hóa của huyện Khánh Sơn nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung. Theo đó, ngày 31-5, UBND tỉnh có quyết định về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh “Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo” thuộc thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn. Dốc Gạo là ngọn núi nơi bộ đàn đá Khánh Sơn được gia đình ông Bo Bo Sung (người Raglai) tìm thấy vào khoảng năm 1947. Đến năm 1979, ông Bo Bo Ren (con trai ông Bo Bo Sung) đã thay mặt gia đình bàn giao hai bộ đàn đá được tìm thấy ở núi Dốc Gạo cho chính quyền địa phương quản lý, phát huy giá trị. Năm 1980, Ban Khảo cổ học của Viện Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam đã tiến hành 2 đợt khảo sát tại đỉnh núi Dốc Gạo. Qua đó, đã phát hiện hơn 500 mảnh tước cùng loại đá của đàn đá Khánh Sơn. Trong đó, có một số thanh đàn đá còn đang chế tác dở dang và bị vỡ. Bước đầu nghiên cứu đá, các nhà khoa học đã xác định đó là những mảnh tước được ghè đẽo ra từ trong các thanh đàn đá Khánh Sơn. Điều này, càng minh chứng và xác định bộ đàn đá Khánh Sơn được chế tác tại chỗ, bằng chất đá tại chỗ, chứ không phải từ nơi khác đưa đến. Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo là địa chỉ lưu dấu những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Khánh Sơn, đặc biệt là niềm tự hào được coi là quê hương của đàn đá. Việc phát hiện đàn đá Khánh Sơn và công bố năm 1979 là phát hiện quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật trong nước.
N.T
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin