Diễn ra cách đây gần nửa thế kỷ, Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc kéo dài trong 10 năm (1966 - 1976) cho tới giờ vẫn luôn được các nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm tìm hiểu. Đây là một giai đoạn lịch sử bi thương, hỗn loạn (thập niên động loạn), để lại vết thương khó hàn gắn của đất nước Trung Quốc. Bạn đọc Việt Nam đã có những hình dung về đất nước láng giềng giai đoạn này qua những tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc được dịch qua tiếng Việt như: Sống và chết ở Thượng Hải của Trịnh Niệm, Huynh đệ của Dư Hoa, Một nửa đàn ông là đàn bà của Trương Hiền Lượng…
Nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này, các học giả Trung Quốc và các nhà nghiên cứu trên thế giới miệt mài đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà người bình thường không thể nào hiểu nổi. Vì sao suốt 10 năm trời Trung Quốc khi đó gần 1 tỷ dân chìm trong cơn mê sảng, chỉ lo tổ chức phê đấu, tạo phản, viết báo chữ to, hạ phóng trí thức về nông thôn… Phong trào chính trị này đã tác động to lớn đến khối các nước xã hội chủ nghĩa như thế nào?
Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh vừa tái bản bộ sách Mười năm Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc của nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc: Lý Vĩnh, Ôn Lạc Quần và Hách Thụy Đình. Bộ sách đồ sộ với gần 2.500 trang viết, chia làm 4 tập để bạn đọc tiện theo dõi: Tập 1 - Những người có công bị hãm hại; tập 2 - Những kẻ cơ hội được thăng tiến; tập 3 - Những bài bình luận về Cách mạng Văn hóa; tập 4 - Viết về những người bị nạn trong Cách mạng Văn hóa.
Bộ sách này được nhóm nghiên cứu dựa trên nền tảng của “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử trong Đảng từ ngày kiến quốc đến nay” của Hội nghị Trung ương 6, Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XI tháng 6 - 1981. Đây là văn kiện chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhìn nhận, đánh giá và tổng kết một cách sâu sắc bài học “Đại cách mạng văn hóa”, qua đó đề phòng nguy cơ “đại cách mạng văn hóa” có thể xuất hiện lại trong xã hội ở bất cứ phạm vi nào.
Bộ sách lần lượt phân tích những luận điểm mà Mao Trạch Đông dựa vào để phát động cuộc đại cách mạng văn hóa, những âm mưu của tập đoàn Lâm bưu, âm mưu của nhóm 4 người (Tứ nhân bang), vai trò của Giang Thanh… Bộ sách cũng công bố hồ sơ một loạt các bậc lãnh đạo tiền bối của cách mạng bị phê đấu, bị bức hại, nhiều người phải tự sát bởi các tiểu tướng Hồng vệ binh miệng còn hôi sữa. Những trang nghiên cứu cho chúng ta hiểu rõ sự thật của những phong trào hồi giờ chỉ nghe tên: “Phê Lâm, phê Khổng”, “tạo phản, đoạt quyền”, “nã pháo vào bộ tư lệnh”… của một thời rối ren, đảo lộn mọi giá trị.
Lịch sử đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng nghiên cứu Đại cách mạng văn hóa một cách bình tĩnh hơn bởi đã có độ lùi của thời gian vẫn rất hấp dẫn, vẫn đáng để đọc.
THỦY NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin