UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar với phát triển du lịch bền vững”. Tại đây, các nhà khoa học, nhà quản lý đã nêu bật được giá trị văn hóa đặc biệt của di tích này và giải pháp nhằm tiếp tục khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar trong phát triển du lịch.
Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc biệt
Khách hành hương tham dự Lễ hội Tháp Bà Ponagar. |
Quần thể di tích Tháp Bà Ponagar được xem là một trung tâm thờ tự quan trọng của người Chăm và người Việt. Đây là quần thể những đền tháp thờ Mẹ xứ sở Po Inư Nagar của người Chăm và Thánh Mẫu Thiên Y A Na của người Việt. Di tích Tháp Bà Ponagar có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Mỗi công trình trong quần thể di tích chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo của nền văn hóa Chămpa. Việc tổ chức hội thảo “Phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar với phát triển du lịch bền vững” là một trong những hoạt động nhằm góp phần xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Tháp Bà Ponagar là di tích Quốc gia đặc biệt. Trong phạm vi hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận kỹ nhằm làm rõ những tiềm năng, giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, độc đáo của di tích Tháp Bà Ponagar; đề xuất những giải pháp phát huy giá trị di tích với hoạt động du lịch bền vững. “Hội thảo đã làm rõ và sâu sắc hơn các mặt giá trị nổi trội của cụm di tích Tháp Bà Ponagar. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đánh giá toàn diện hơn khả năng khai thác giá trị cụm di tích Tháp Bà Ponagar với tư cách là nguồn lực văn hóa cho phát triển du lịch; giải pháp xây dựng và phát triển kết nối các sản phẩm du lịch ở duyên hải miền Trung”, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết.
Đồng bào Chăm thực hành lễ cúng Mẹ xứ sở ở di tích Tháp Bà Ponagar. |
Khi tìm hiểu về di tích Tháp Bà Ponagar, các nhà khoa học đều thống nhất quan điểm đây là quần thể di tích có giá trị văn hóa đặc biệt; nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố tinh hoa, tinh xảo trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của văn hóa Chămpa; thể hiện rõ nét sự giao thoa, cộng hưởng văn hóa của hai dân tộc Chăm - Việt thông qua việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở của đồng bào Chăm và thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na của người Việt. “Hiện nay, tại Tháp Bà ở TP. Nha Trang vẫn còn 5 công trình kiến trúc mang những sắc thái khác nhau của vương quốc cổ Chămpa. Có thể nói, hiếm có một di tích kiến trúc Chămpa còn lại nào hiện bao chứa trong mình nhiều kiểu kiến trúc khác nhau như ở Tháp Bà. Vì vậy, sau di sản thế giới Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam), những công trình kiến trúc của Tháp Bà đang và sẽ là những di sản lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của đất nước Việt Nam”, PGS.TS Ngô Văn Doanh - nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chia sẻ.
Có thể thấy, khi nhìn nhận di tích Tháp Bà Ponagar trên phương diện lịch sử đã thể hiện sự phát triển của vương quốc Chămpa cổ, cũng như vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tinh thần của cộng đồng. Tháp Bà Ponagar được xem là khu thánh địa linh thiêng đối với cả người Chăm và người Việt, cũng như một số dân tộc khác. Bên cạnh giá trị của di sản văn hóa vật thể của quần thể di tích, còn có giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc thông qua lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Lễ hội là dịp để cộng đồng cùng trở về với cội nguồn truyền thống văn hóa, vun đắp những giá trị tinh thần trong hành trình đi tới tương lai.
Gắn với phát triển du lịch bền vững
Theo TS Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na, thờ Mẹ xứ sở là nét đặc trưng nổi bật trong đời sống văn hóa của cư dân miền Trung. Ở tỉnh Khánh Hòa, có lợi thế để phát triển du lịch hành hương về với quê hương của Thánh Mẫu Thiên Y A Na - Mẹ xứ sở thông qua “tam giác vàng” linh thiêng giữa các di tích: Am Chúa (nơi bà giáng trần) - Suối Đổ (nơi bà vân du) - Tháp Bà (nơi bà thăng thiên). Đây là tiềm năng đối với việc phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh độc đáo, đồng thời có thể làm cơ sở để mở rộng đến việc phát triển du lịch thông qua các cơ sở thờ tự Thánh Mẫu Thiên Y A Na trong các làng xã trên địa bàn tỉnh.
Biểu diễn múa Chăm phục vụ khách tham quan di tích Tháp Bà Ponagar. |
Với tâm huyết, cùng sự tìm hiểu kỹ lưỡng, GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp nhằm khai thác, phát huy các nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững tại di tích Tháp Bà Ponagar, như: Đổi mới, kiện toàn phương thức, chất lượng thuyết minh, giới thiệu về di sản; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với di tích và lễ hội Tháp Bà Ponagar; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động khai thác du lịch ở tất cả các khâu; cân đối hài hòa việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng các dân tộc; chú trọng bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái trong quá trình phát triển du lịch; việc tu bổ, tôn tạo di tích đảm bảo tôn trọng các nguyên tắc cụ thể; cần thực hiện quy hoạch không gian tổ chức lễ hội một cách quy củ, rõ ràng đảm bảo tính trang nghiêm, linh thiêng…
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 di tích thờ và phối thờ Mẫu Thiên Y A Na. Trong đó, di tích Tháp Bà Ponagar là trung tâm của tín ngưỡng này. Tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt với truyền thuyết và quá trình huyền thoại hóa riêng, tồn tại cộng sinh, song hành với tục thờ Mẹ xứ sở của đồng bào Chăm. Hội thảo lần này là dịp để tỉnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, giá trị di tích Tháp Bà Ponagar trong việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các loại hình dịch vụ góp phần phát triển du lịch. Qua hội thảo, ngành Văn hóa cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu để vận dụng có hiệu quả trong việc cụ thể hóa Nghị quyết số 34, ngày 22-12-2023 của Tỉnh ủy về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch số 3566, ngày 4-4-2024 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 34. Cùng với đó, sớm xây dựng hoàn thành hồ sơ di tích Quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar theo đúng quy trình.
GIANG ĐÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin