20:38, 12/04/2024

Tình văn chương miền xa nhớ

DƯƠNG MY ANH

Vừa qua, nhóm các nhà văn trong tỉnh có chuyến thăm nhà thơ Phạm Dạ Thủy ở thị xã Ninh Hòa. Đây là một cuộc gặp gỡ vô cùng cảm xúc, đậm tình văn chương, bởi đã nhiều năm nay giới văn nghệ Khánh Hòa vẫn mang máng về hoàn cảnh sức khỏe của nhà thơ nữ miền sông Dinh hiền hòa. Phạm Dạ Thủy là giáo viên dạy ngoại ngữ, yêu văn chương, chị đã xuất bản nhiều tập thơ đặc sắc và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Do mắc bệnh mất trí nhớ nên gặp chúng tôi, chị vẫn vui vẻ hồn nhiên, chỉ không nhớ được tên người giáp mặt. Đây là điều thiệt thòi lớn của người dạy ngoại ngữ và sáng tác thơ ca. Từ đó đến nay, chị phải rời làng văn nghệ mà chị hết lòng yêu mến.

Cùng với nhà thơ Phạm Dạ Thủy, làng văn Khánh Hòa cũng vô cùng tiếc nuối nhà văn Quý Thể. Ông là nhà văn tài hoa bậc nhất của làng văn xứ Trầm thập niên 90 khi đạt giải cao ở Báo Văn Nghệ với truyện ngắn "Mùi Cọp", gây tiếng vang lớn thời đó. Sau đó, ông viết truyện ngắn và đạt nhiều giải ở các cuộc thi; được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Vừa rồi, nhân có hội nghị các nhà văn lão thành tại Hải Phòng, Hội Nhà văn Việt Nam có mời nhưng ông không dự. Đã gần 10 năm ông rời làng văn sống âm thầm ở xứ người rồi lại về Việt Nam. Anh em văn nghệ cũng ít có tin tức về ông bởi ông ít giao thiệp do sức khỏe. Hiện nay, có nhiều nhà văn cũng đang vất vả sống năm tháng cuối đời như: Xuân Tuynh, Trí Nhân...

Có một thời làng văn Khánh Hòa hội tụ các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn: Giang Nam, Đào Xuân Quý, Nguyên Hồ, Y Điêng, Thế Vũ, Trần Vũ Mai, Cao Duy Thảo, Nguyễn Khắc Phục..., rồi đến thế hệ tiếp nối: Cao Linh Quân, Nguyễn Đức Linh, Lê Khánh Mai, Ái Duy, Tôn Nữ Thu Thủy, Phan Cao Toại, Trần Chấn Uy, Nguyễn Minh Ngọc, Hoàng Nhật Tuyên, Quý Thể, Vân Hạ, Bạch Vân Nguyên Đông… Hiện nay, tuy có ít nhưng cũng có một đội ngũ mới: Khuê Việt Trường, Lưu Cẩm Vân, Lê Đức Dương, Lê Đức Quang, Trần Ngọc Hồ Trường, Đào Thị Thanh Tuyền, Quốc Sinh và các cây bút trẻ Nguyễn Hoàng Vũ, Ngô Thế Lâm, Như Hoài, Hồng Đào, Hữu Phú, Hương Nhuận…

Điều đáng nói là với xu thế hiện nay, văn chương đã giảm lượng người viết và người đọc nên không khí trầm lắng, ít có tác phẩm gợi sóng trong lòng bạn đọc như trước. Ngay cả đội ngũ sáng tác cũng tản mạn, ít gắn kết và càng không có những cuộc gặp gỡ văn chương. Do đó, các nhà văn cao tuổi càng bị lùi về miền xa thẳm của mình. Đây là một điều đáng tiếc bởi nhà văn phải có bạn hữu, môi trường giao tiếp thì mới sáng tác được. Ngay các cây bút trẻ, việc tập hợp thành một nhóm chơi cũng gần như vô cùng khó. Có vài cây bút ít ỏi chuyên cần viết gửi các báo kiếm chút tiền để mưu sống, còn in sách thì ai cũng e ngại. Thế nên ở Khánh Hòa đã hơn 10 năm chưa thể tổ chức lại một hội nghị các cây bút trẻ. Tại hội nghị cây viết trẻ toàn quốc 2 năm trước, tìm mãi mới có một cây bút làm đại biểu của Khánh Hòa!

Thiết nghĩ, đã đến lúc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại Khánh Hòa cần thường xuyên thăm hỏi, động viên các cây bút lão thành; khơi gợi, tạo nguồn cảm hứng và môi trường sáng tác mới cho các cây bút trẻ bằng những việc làm thiết thực, để làng văn nghệ tỉnh bớt đi sự trầm lắng như hiện nay.

DƯƠNG MY ANH