21:39, 15/04/2024

Phát triển công nghiệp văn hóa ở xứ Trầm

GIANG ĐÌNH 

Phát triển công nghiệp văn hóa được xem là một trong những giải pháp đột phá để phát triển văn hóa nói riêng, kinh tế - xã hội đất nước nói chung. Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã có những dấu hiệu tích cực trong việc tạo dựng nên những sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Nha Trang - Khánh Hòa có những tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, hay văn hóa nói chung. Địa phương có nhiều di tích, danh thắng rất đặc sắc; lực lượng những người sáng tác văn học nghệ thuật ở Khánh Hòa cũng rất hùng hậu và đã khẳng định được vị thế của mình. Điều đó không chỉ có giá trị về văn hóa mà còn có giá trị về kinh tế. Tất cả nhằm tăng cường sự giao lưu, khai thác tiềm năng của Khánh Hòa để phát triển ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh. 

Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cũng nhìn nhận, những năm qua, Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển hoạt động điện ảnh. Trên địa bàn tỉnh có sự hiện diện hệ thống rạp phim của các doanh nghiệp như: Lotte Cinema, CGV, Beta Cinema, Galaxy Cinema. Tỉnh cũng đã hợp tác với Hội Điện ảnh Việt Nam và doanh nghiệp để tổ chức sự kiện lễ trao giải thưởng điện ảnh Cánh diều vàng. Một số đoàn làm phim khi thực hiện quay tại Nha Trang - Khánh Hòa đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương… Những biểu hiện đó cho thấy nỗ lực bắt kịp xu hướng phát triển thị trường điện ảnh theo hướng công nghiệp văn hóa ở Khánh Hòa.

Một chương trình ca nhạc tại Nha Trang có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ nổi tiếng.  
Một chương trình ca nhạc tại Nha Trang có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ nổi tiếng.  

Trên thực tế, ngành Văn hóa tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng thị trường văn hóa Khánh Hòa trên nền tảng những giá trị bản sắc văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống, văn hóa dân gian… Những sản phẩm văn hóa như: Lễ hội cồng chiêng; hô hát bài chòi; biểu diễn nghệ thuật đường phố; các chương trình nghệ thuật truyền thống; biểu diễn nhạc cụ dân tộc… đã dần nhận được sự quan tâm đón nhận của du khách.

Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tạo nên những sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo như: Khu du lịch VinWonders Nha Trang với chương trình diễn thực cảnh Tata Show và trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách; Công ty Cổ phần Vega City với chương trình nghệ thuật Rối mơ - Life Puppets tại Nhà hát Đó; Làng nghề Trường Sơn giới thiệu đến du khách hàng loạt sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tác phẩm mỹ thuật độc đáo.

Ngoài ra, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ trong tỉnh thể hiện giá trị tư tưởng, nhân văn và bản sắc văn hóa vùng đất xứ Trầm, biển yến. Những sự kiện văn hóa lớn như: Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa; lễ trao giải thưởng điện ảnh Cánh diều vàng hàng năm… đã trở thành thương hiệu, dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của địa phương.

Phát biểu trong lễ khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận - phê bình và quảng bá” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại TP. Nha Trang mới đây, đồng chí Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung phát triển văn hóa theo hướng bền vững. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với giáo dục truyền thống được thực hiện tốt; tài nguyên văn hóa, lịch sử được chú trọng phát triển. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 34, ngày 22-12-2023 về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, tiếp tục khẳng định mục tiêu xây dựng, gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh nhằm tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, vì lợi ích của toàn xã hội; sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới, làm giàu văn hóa truyền thống.

Công nghiệp văn hóa ở nước ta được xác định xoay quanh 12 lĩnh vực, gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ, thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; truyền hình - phát thanh; du lịch văn hóa.

GIANG ĐÌNH