Trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam cách đây 49 năm đã ghi nhận sự kiện một loạt ca khúc ra đời vào thời khắc trọng đại của dân tộc - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các nhạc sĩ đã bắt trọn khí thế hào hùng, niềm tự hào dân tộc và cảm xúc dâng trào của lớp lớp người dân trong ngày toàn thắng để viết nên những giai điệu, ca từ “kịp thời nhất, nhanh chóng nhất…”.
Ca sĩ Trọng Tấn thể hiện ca khúc Đất nước trọn niềm vui tại lễ kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang (1924 - 2024). |
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mỗi nhạc sĩ đều đặt vị trí của mình như là một “phóng viên âm nhạc”, họ theo bước chân của những đoàn quân giải phóng, ngóng trông tin tức từng phút, từng giờ từ chiến trường gửi về để rồi bao xúc cảm được vút bay để viết nên những ca khúc thôi thúc, cổ vũ, rung cảm lòng người. Nhìn lại những tác phẩm âm nhạc ra đời trong những tháng ngày chiến đấu cho trận cuối cùng, công chúng yêu nhạc hôm nay càng đặc biệt trân trọng, tri ân các nhạc sĩ của đất nước thời bấy giờ. Những ca khúc cứ nối tiếp nhau ra đời như lớp lớp sóng trào trên đại dương. Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chúng ta có những ca khúc: Gửi Huế giải phóng (Nguyễn Văn Thương), Huế của ta ơi (Thanh Phúc), Các anh về giữa Huế thân yêu (Vũ Thanh), Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương (Văn An), Chào Đà Nẵng giải phóng (Phạm Tuyên), Đà Nẵng ơi! Chúng con lại về (Phan Huỳnh Điểu), Hát về Đà Nẵng kiên cường (Cao Việt Bách), Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi (Nguyễn Đức Toàn), Chào Đà Nẵng, dũng sĩ bên bờ Biển Đông (Nguyễn An), Sông Hàn vang tiếng hát (Huy Du)...
Liên tiếp sau đó, khi những đoàn quân cách mạng đến giải phóng các tỉnh dọc dài duyên hải miền Trung, công chúng lại được sống cùng những ca khúc chiến thắng: Quảng Ngãi quê em sáng xuân nay (Ánh Dương), Bình Định quê ta (Trần Hữu Pháp), Mùa xuân Quy Nhơn - mùa xuân Bình Định (Dân Huyền), Chào Nha Trang giải phóng (Hoàng Hà), Nha Trang mùa xuân nay biển hát (Thịnh Trường), Hát mừng Nha Trang giải phóng (Nguyễn Nùng)... Những bài hát được sáng tác đúng vào thời điểm khí thế chiến đấu và chiến thắng sôi sục khắp các chiến trường đã tạo nên sức mạnh thông tấn lớn lao và là những tiếng kèn xung trận cổ vũ, động viên hàng triệu trái tim chiến sĩ, nhân dân cả nước.
Để rồi tất cả cùng đến với thời khắc của lịch sử, ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Khi tin chiến thắng bay về, các nhạc sĩ đã hòa chung niềm vui lớn của dân tộc để ghi lại niềm xúc cảm “ngày đi như trong đêm mơ”, “vui sao nước mắt lại trào”. Những nhạc sĩ lớn của đất nước không hẹn mà gặp đã cùng nhau viết nên những bài ca chiến thắng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên có ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng, một bài ca tập thể kết nối nhân dân, chiến sĩ trên khắp mọi miền để cùng tạo nên dàn đồng ca vĩ đại. Tiếp đó là một loạt ca khúc: Ta đã về Sài Gòn ơi (Văn Dung), Hát về thành phố tên vàng (Cát Vận), Mùa xuân Việt Nam - mùa xuân toàn thắng (Lưu Cầu), Việt Nam ngày đại thắng (Vũ Thanh), Giữa Sài Gòn giải phóng (Hồ Bắc), Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ (Dân Huyền), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (Cao Việt Bách - Đăng Trung)... lần lượt được đưa tới khán giả. Nổi bật trong số những ca khúc về ngày giải phóng miền Nam có bài hát Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà. Đến hôm nay và mãi về sau, mỗi lần đến ngày 30-4, những giai điệu, ca từ của bài hát này lại vang lên khắp nơi và vang lên trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Điều khá đặc biệt là bài hát này được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác vào đêm 26-4-1975 tại nhà riêng ở Thủ đô Hà Nội và đến sáng 27-4-1975, bài hát được đem đến Đài Tiếng nói Việt Nam để dàn dựng với giọng hát của NSND Trung Kiên. Nhạc sĩ Hoàng Hà viết ca khúc này khi ông chưa hề đến với TP. Sài Gòn, nhưng từ sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, sự quan tâm và niềm xúc cảm lớn lao với đất nước đã giúp ông viết nên những giai điệu hào hùng, rộn ràng nhưng cũng rất giàu cảm xúc và chạm được tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay/Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây/Sài Gòn ơi vững tin đã bao năm rồi/Một ngày vui giải phóng/Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông/Rạo rực sao hôm nay Bác vui với hội toàn dân/Thành đồng ơi sắt son đã vang khải hoàn/Ôi hạnh phúc vô biên hát nữa đi em những lời yêu thương…”. Đã 49 mùa xuân đi qua, nhưng mỗi lần nghe lại những giai điệu của các bài hát mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong trái tim của chúng ta lại dâng lên niềm tự hào và tấm lòng tri ân đến các thế hệ cha ông đi trước. Những thời khắc lịch sử của dân tộc mãi trường tồn trong những lời ca, điệu nhạc để mỗi người càng thấy yêu hơn Tổ quốc Việt Nam.
GIANG ĐÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin