Sau 3 năm, sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh quay trở lại tổ chức tại thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn. Hàng trăm nghệ nhân, diễn viên quần chúng, vận động viên phong trào đại diện cho cộng đồng 36 dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tụ hội về đây để tạo nên bầu không khí vui tươi của tình đoàn kết.
Những sắc màu truyền thống
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh năm nay diễn ra từ ngày 14 đến 16-4, tại khu vực Quảng trường 20 tháng 11, với sự tham gia của hơn 300 nghệ nhân, diễn viên quần chúng, vận động viên phong trào của 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Dù quy mô, cách thức thực hiện có khác nhau, nhưng mỗi địa phương đều cố gắng mang đến ngày hội những sắc màu văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng, tiêu biểu của mình. Trong không gian trưng bày các sản phẩm, sản vật đặc trưng, công chúng được xem những hiện vật gốc là các bộ trang phục, nhạc cụ, công cụ lao động của đồng bào Ê đê trưng bày tại gian hàng thị xã Ninh Hòa. Gian hàng huyện Khánh Sơn thu hút khách tham quan bởi những món ăn đặc trưng của địa phương với gà nướng Tô Hạp, rau rừng, rượu cần. Gian hàng của TP. Nha Trang gây ấn tượng với những hình ảnh về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, món bún riêu đậm đà... Ở không gian trưng bày 50 hình ảnh, tranh cổ động đẹp về đời sống văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, mọi người lại có dịp xem những khoảnh khắc, thông điệp ấn tượng thể hiện tình đoàn kết các dân tộc. Hoạt động diễu hành của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng đưa tới cho mọi người hình ảnh đẹp về những bộ trang phục dân tộc của đồng bào Ê đê, T’rin, Raglai, Tày, Nùng, Kinh… Trong khuôn khổ hội thao các dân tộc, khán giả có dịp xem, cổ vũ cho các vận động viên tranh tài các môn đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, chạy cà kheo.
Tiết mục múa Lời đại ngàn của đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Khánh Vĩnh. |
Khi đêm xuống, sân khấu ở Quảng trường 20 tháng 11 lại rộn ràng thanh âm phần thi diễn những tiết mục văn nghệ của các đoàn nghệ thuật quần chúng. Ở đó, có tiết mục hòa tấu đàn đá của đoàn chủ nhà huyện Khánh Sơn; có tiết mục múa độc lập Lời đại ngàn của đoàn huyện Khánh Vĩnh. Đoàn huyện Vạn Ninh lại mang tới khán giả tổ khúc dân ca Thắm tình Vân Phong, dựa theo làn điệu hò ba lý, lý ngựa ô, lý thương nhau. Tiết mục múa Hồn quê của đoàn huyện Diên Khánh cũng thu hút người xem bởi sự dàn dựng công phu. Đoàn TP. Cam Ranh đem đến 2 tiết mục múa Nồng nàn cao nguyên, Âm vang Raglai; đoàn TP. Nha Trang với màn hát múa Hồn thiêng đất Việt…
Đẹp tình đoàn kết
Sau 16 năm từ ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 19-4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các địa phương để tổ chức hoạt động ý nghĩa này. Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh là ngày hội lớn để đồng bào các dân tộc trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt thêm tình đoàn kết và thể hiện những sắc màu văn hóa truyền thống. Huyện Khánh Sơn là nơi sinh sống của 12 dân tộc, trong đó đồng bào Raglai chiếm hơn 70% dân số toàn huyện. Chính vì thế, địa phương hiểu sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày văn hóa các dân tộc và xem đây là một dịp để giới thiệu, quảng bá đến bạn bè gần xa những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản văn hóa, tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương.
Màn diễu hành của các thành viên đội văn nghệ xã Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh). |
Trong lần đầu tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh, bà Cao Thị Dung (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) đã cảm nhận được niềm vui, ý nghĩa của sự kiện này. “Tôi và các thành viên khác trong đội văn nghệ của xã từng tham gia một số hoạt động văn nghệ, thể thao, nhưng chưa có hoạt động nào quy mô lớn như thế này. Tôi rất bất ngờ và tự hào khi được đại diện cho người dân trong xã để mang những lời hát, điệu múa góp vui với các đoàn khác. Bầu không khí thân tình, đoàn kết, tuy lạ mà quen ở nơi đây thực sự là một kỷ niệm đẹp đối với tôi”, bà cho biết. Cùng chung suy nghĩ trên, bà Mấu Thị Duyên (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) chia sẻ: “Không khí ngày văn hóa các dân tộc thực sự để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với những khán giả như tôi. Đến đây, người dân được hòa mình vào những hoạt động văn hóa, thể thao và gặp gỡ nhiều người bạn mới đến từ các địa phương trong tỉnh. Từ góc nhìn của một phụ huynh, tôi thấy hoạt động này cũng góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, tình cảm đoàn kết đối với thế hệ trẻ”.
Theo ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã thể hiện được tinh thần của các địa phương tham gia. Đây cũng là dịp góp phần quảng bá các di sản văn hóa, sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc trưng của các vùng, miền trong tỉnh. Thêm một lần những giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc được giữ gìn, phát huy trong cộng đồng các dân tộc. Và bầu không khí vui tươi, phấn khởi của Ngày Văn hóa các dân tộc tiếp tục lan tỏa đến các bản làng để mọi người cùng nhau thắt chặt hơn tình đoàn kết gắn bó.
Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã phần nào thể hiện được nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Qua đây còn ghi nhận, biểu dương những thành tích, kết quả đạt được trong cộng đồng các dân tộc đã góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
GIANG ĐÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin