22:43, 19/04/2024

Kết nối người khuyết tật bằng sân chơi âm nhạc

HOÀNG AN

Nhà Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức Liên hoan văn nghệ người khuyết tật lần thứ XI. Đây là sân chơi tinh thần bổ ích, ý nghĩa, giúp người khuyết tật thể hiện tài năng, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Một tiết mục tham gia liên hoan.
Một tiết mục tham gia liên hoan.

Năm nào cũng vậy, hễ có thông báo về việc chuẩn bị tập văn nghệ tham gia liên hoan văn nghệ người khuyết tật, em Nguyễn Đức Lành (Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Hy Vọng, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) đều xung phong tham gia. "Em rất mong chờ liên hoan diễn ra để lại được giao lưu văn nghệ, gặp các bạn ở các cơ sở khác; không chỉ mình em, các anh chị em khác ở mái ấm đều rất vui khi được tham gia", Lành chia sẻ.

Sơ Nguyễn Thị Nga - Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Hy Vọng cho biết, tại liên hoan, 13 thành viên của đội đã biểu diễn 2 tiết mục múa "Trăng phương Nam", "Sống như những đóa hoa". Các em nhỏ ở mái ấm tuy chỉ có 2 tuần chuẩn bị, nhưng đã nỗ lực, hăng say luyện tập để phần thi diễn của đội đạt kết quả tốt nhất.

Liên hoan văn nghệ người khuyết tật tỉnh năm nay có 10 đội văn nghệ của người khuyết tật đến từ các đơn vị gồm: Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh; Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tỉnh; Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Hy Vọng; Cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật Sao Mai (TP. Nha Trang); Hội Người mù huyện Diên Khánh, huyện Vạn Ninh, huyện Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh, TP. Nha Trang. Với chủ đề "Nhịp bước yêu thương", các đội đã thể hiện niềm đam mê nghệ thuật, tinh thần lạc quan, vươn lên cuộc sống qua những ca khúc, giai điệu, tự tin thể hiện bản thân. Nhiều thí sinh còn thể hiện được tài năng của mình qua những màn biểu diễn độc tấu nhạc cụ như thí sinh Nguyễn Quốc Thịnh với phần độc tấu Organ ca khúc "Bên tượng đài Bác Hồ"; hay tiết mục đơn ca của các thí sinh đến từ Hội Người mù TP. Nha Trang, huyện Khánh Vĩnh, huyện Diên Khánh...

Ban tổ chức trao giải cho các đội tham gia liên hoan.
Ban tổ chức trao giải cho các đội tham gia liên hoan.

Không giới hạn độ tuổi, loại hình biểu diễn, liên hoan thực sự là sân chơi ý nghĩa, thiết thực hàng năm dành cho người khuyết tật. Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc - giáo viên Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh cho biết, liên hoan lần này, trung tâm tham gia 2 tiết mục. Công tác luyện tập có nhiều khó khăn vì các em nhỏ trong đội văn nghệ không nghe, không nói được, giáo viên phải sử dụng ngôn ngữ hình thể để biểu đạt, giúp các em luyện tập các bài múa. Tuy nhiên, các em rất thích thú khi được tập luyện và tham gia giao lưu. Hoạt động này mang lại niềm vui tinh thần rất lớn cho các em. Bên cạnh được thể hiện tài năng văn nghệ, các em còn được gặp gỡ, giao lưu với những người khuyết tật ở các địa phương khác để cùng trao đổi, chia sẻ và cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.

Một tiết mục tham gia liên hoan.
Một tiết mục tham gia liên hoan.

Ông Nguyễn Phương Doanh - Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh, Trưởng Ban tổ chức liên hoan cho biết, được sự ủng hộ tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp, liên hoan văn nghệ được duy trì tổ chức hàng năm nhằm tạo cơ hội để người khuyết tật thể hiện tài năng, năng khiếu, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Bên cạnh đó, liên hoan thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc xây dựng môi trường văn hóa, văn nghệ cho người khuyết tật tham gia. Qua 11 lần tổ chức, liên hoan vẫn tạo sức hút lớn với những người khuyết tật. Sau liên hoan, đơn vị còn tổ chức hoạt động gặp gỡ, giao lưu giữa người khuyết tật của các đơn vị để mọi người có cơ hội trao đổi, chia sẻ, từ đó có thêm sự đồng cảm, động viên lẫn nhau, giúp nhau nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

HOÀNG AN