Nơi tôi lớn lên, ban đầu chỉ có vài ba căn nhà tranh vách lá, nay đã dần khang trang, hiện đại hơn với đầy đủ cơ sở hạ tầng. Những mái ngói đỏ, những ngôi nhà xây ngày một nhiều hơn. Tết đến, xuân về, nhà nhà rộn ràng trồng hoa, trồng rau chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết tươm tất, đủ đầy.
Dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng tình cảm xóm giềng vẫn luôn đong đầy. Và, xóm nhỏ vẫn giữ nguyên một thông lệ ngày xuân. Đó là đến chúc Tết từng nhà trong năm mới vào ngày Mùng 2 Tết. Việc này được duy trì đều đặn hàng năm như một nét đẹp riêng của làng.
Người xưa có câu “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Phong tục chúc Tết đã được người Việt gìn giữ và duy trì qua bao thế hệ, thể hiện lòng hiếu thảo, tri ân của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, hai bên nội ngoại và tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Riêng xóm nhỏ nơi tôi lớn lên, việc chúc Tết không chỉ dành cho người thân, người dạy dỗ mình mà còn lan tỏa ra cả cộng đồng.
Ngày bé, tôi rất thích khi thấy các bác, các chú, các cô đến nhà mình chúc Tết vì sẽ được nhận lì xì mừng tuổi đầu năm. Trong suy nghĩ của trẻ thơ đơn giản chỉ vậy thôi. Nhưng khi lớn lên, tôi hiểu rằng, thông lệ ấy là một quá trình gìn giữ và tiếp nối của các thế hệ. Ba tôi thường bảo “Người trước dạy sao thì mình cố gắng giữ gìn như vậy”. Và cứ thế, mỗi năm dù có bận việc đến mấy, ba tôi và các bác, các chú, các cô trong xóm cũng dành trọn vẹn một ngày để đến từng nhà chúc xuân năm mới.
Xóm giềng gặp nhau, chúc Tết ngày đầu năm gửi gắm niềm tin và hi vọng vào mùa xuân mới. |
Xóm giềng gặp nhau, chúc Tết ngày đầu năm gửi gắm niềm tin và hi vọng vào mùa xuân mới.
Cứ sáng Mùng 2 Tết, ba tôi và bác Hai, bác Tư lại hẹn nhau cùng đi chúc Tết. Đơn giản chỉ là thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình; hỏi thăm tình hình của nhau và chúc sức khỏe, chúc nhau làm ăn phát đạt trong năm mới… Những câu chúc cứ tiếp diễn như thế trong không khí vui vẻ của ngày đầu năm. Họ mời nhau ly trà, miếng bánh và những câu chuyện cứ thế xoay vòng, hết nhà này đến nhà khác. Có những người con đi làm ăn xa như chúng tôi, Tết đến được gặp lại từng khuôn mặt thân quen nơi xóm làng, cảm thấy thật vui vì mọi người vẫn khỏe mạnh.
Phong tục chúc Tết đầu năm là một nét văn hóa đẹp của người Việt. Qua bao thăng trầm của lịch sử, phong tục ấy vẫn được giữ gìn và trân trọng. Tuy nhiên, phong tục truyền thống này cũng có sự thay đổi so với trước đây và thường gói gọn trong từng gia đình, dòng họ. Vì vậy, để duy trì phong tục chúc Tết cả xóm ngày đầu năm là cả một sự cố gắng giữ gìn của các thế hệ trong làng. Cứ thế, mỗi mùa xuân đến, những cái bắt tay, những câu chúc mang đầy niềm tin và hi vọng về một năm mới thắng lợi mới đã được mọi người trao cho nhau. Qua đó, gửi gắm những mong ước tốt đẹp đến với nhau trong mùa xuân mới.
Và tôi, dù đi xa bao năm, vẫn nhớ mãi và vẫn rất thích cái thông lệ ấy. Đó là dịp để chúng tôi có cơ hội được gặp mọi người, được nói lời chúc với nhau sau thời gian rời xa xóm nhỏ. Cũng là để chúng tôi tự hào về một thông lệ hay, nét đẹp riêng của làng. Dẫu có đi xa thì ngày Tết, tôi vẫn muốn trở về để sống trong không khí đặc biệt ấy của ngày đầu năm.
HÒA TRANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin