Trong ký ức của nhiều khán giả thế hệ 7X, 8X ở Nha Trang, chắc hẳn vẫn còn nhiều người thổn thức khi nhắc đến ca sĩ Mỹ Hạnh - giọng ca vàng một thuở của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Nghe danh chị đã lâu nhưng mãi đến bây giờ, chúng tôi mới có dịp gặp mặt để cùng chị ôn lại những câu chuyện đời, chuyện nghề đã qua.
Ca sĩ Mỹ Hạnh - giọng ca vàng một thời của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Ca sĩ có giọng nữ trầm đẹp
Bây giờ, nhắc tới ca sĩ Mỹ Hạnh (tên đầy đủ là Trần Thị Mỹ Hạnh), nhiều người trong nghề đều công nhận chị là ca sĩ có giọng nữ trầm đẹp. Giọng trầm của chị hoàn toàn tự nhiên, thiên phú. Chị có khả năng kiểm soát và phối hợp các nốt trầm mượt mà, không bị đứt quãng. Phong cách biểu diễn âm nhạc của chị vừa nhẹ nhàng, vừa mạnh mẽ và cảm xúc. Vậy nhưng, phải sau gần 10 năm ca hát mới có người nói cho chị biết thế mạnh trong chất giọng của mình để sử dụng một cách tối ưu nhằm mang đến cho khán giả những tiết mục hay. “Tôi yêu thích ca hát từ nhỏ, rồi tham gia sinh hoạt ở Nhà Thiếu nhi tỉnh. Đến năm 1988, khi mới 16 tuổi, tôi trở thành ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Con đường ca hát của tôi xuất phát từ niềm yêu thích và tố chất của bản thân, chứ không qua trường lớp đào tạo. Vậy nên, khi vào đoàn, cứ được giao bài nào tôi cố gắng tập luyện để biểu diễn tốt nhất bài hát đó, chứ không hề nghĩ đến việc chọn bài phù hợp với giọng hát của bản thân”, ca sĩ Mỹ Hạnh cho biết.
Trở về với những tháng ngày tuổi trẻ, ca sĩ Mỹ Hạnh vẫn luôn giữ cho mình những kỷ niệm đẹp. Thời điểm chị vào Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng được xem là khoảng thời gian đoàn đang ở đỉnh cao, với nhiều tên tuổi nghệ sĩ đến bây giờ vẫn được khán giả nhớ đến như: Ngọc Thúy, Thanh Trúc, Thu Trang, Nguyễn Hải, Ngọc Liên… Đoàn liên tục đi biểu diễn ở các tỉnh khu vực miền Trung, Nhà hát Hòa Bình (TP. Hồ Chí Minh), phục vụ khán giả Thủ đô ở Nhà hát Lớn Hà Nội, thậm chí còn có những chuyến lưu diễn phục vụ kiều bào nước ngoài. Các nhạc sĩ lớn như: Thanh Tùng, Bảo Chấn, Bảo Phúc… thường xuyên đến dàn dựng, tập luyện cho các nghệ sĩ của đoàn. Chính vì thế, danh tiếng của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng được nhiều khán giả trong nước biết đến, nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu mến.
Năm 1991, ca sĩ Mỹ Hạnh tham gia Cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ 2 diễn ra ở Thủ đô Hà Nội. Gần 2 tháng tập luyện ở đất Hà Thành, chị đã đạt được kết quả ngoài sự mong đợi khi cùng ca sĩ Hồng Nhung đạt giải nhất. Hiện nay, tìm trên một số trang mạng xã hội hay website âm nhạc, công chúng vẫn có thể nghe lại 2 ca khúc “Em ơi! Hà Nội phố” và “Mưa ngâu” do ca sĩ Mỹ Hạnh hát tại cuộc thi âm nhạc nêu trên. Tuy đã 33 năm nhưng lời ca, tiếng hát năm nào vẫn khiến người nghe thầm thán phục bởi chất giọng, cách xử lý bài hát rất tự nhiên. “Đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi tham gia một cuộc thi ca hát. Việc vượt qua rất nhiều thí sinh khác trong cả nước để đạt giải thưởng lớn là điều nằm ngoài suy nghĩ của tôi và lãnh đạo đoàn thời bấy giờ. Có lẽ vì tôi đến với cuộc thi không đặt nặng thành tích nên thể hiện được một cách tốt nhất khả năng của bản thân. Sau cuộc thi, có rất nhiều lời mời của các đơn vị nghệ thuật đối với tôi nhưng tôi vẫn trở về gắn bó với Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng”, ca sĩ Mỹ Hạnh chia sẻ.
Hẹn ngày về phố biển thân yêu
Sinh ra và lớn lên tại TP. Nha Trang; có bố, mẹ, anh trai đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nên từ nhỏ tình yêu ca hát của ca sĩ Mỹ Hạnh được gia đình ủng hộ. Sau gần 10 năm gắn bó với Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, ca sĩ Mỹ Hạnh đã nói lời chia tay để vào TP. Hồ Chí Minh. Trong khoảng thời gian 1997 - 1998, chị quay cuồng với những đêm diễn liên tục. Mỗi đêm chị phải biểu diễn hơn 10 bài ở nhiều tụ điểm ca nhạc khác nhau. Đây cũng là khoảng thời gian chị lưu dấu trong lòng khán giả với những ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Thanh Tùng, Bảo Chấn… Sự nghiệp “chạy show” của chị chấm dứt khi chị mở phòng trà 2B (TP. Hồ Chí Minh) và nơi đây trở thành điểm hẹn của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ thời bấy giờ. Năm 2008, phòng trà 2B ngừng hoạt động nhưng nơi đây vẫn để lại một dòng hoài niệm đối với nhiều nghệ sĩ ở TP. Hồ Chí Minh.
Chúng tôi gặp ca sĩ Mỹ Hạnh trong những ngày chị về phố biển để chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang, 15 năm thành phố được công nhận là đô thị loại 1. Trong chương trình này, chị sẽ biểu diễn 2 ca khúc “Đêm thành phố đầy sao” (sáng tác Trần Long Ẩn) và “Dấu chân địa đàng” (Trịnh Công Sơn). “Kể từ lúc xa Nha Trang để vào TP. Hồ Chí Minh, tôi cũng chỉ quay về biểu diễn một vài lần, nhưng lần nào trong tôi cũng đong đầy cảm xúc và lần này cũng vậy. Dù khán giả bây giờ có người còn nhớ, có người không biết tôi song được đứng hát trên chính quê hương mình vẫn là một điều rất đặc biệt”, chị bồi hồi.
Chị cũng cho biết thêm, tuy là người Nha Trang nhưng thời gian chị ở phố biển lại khá ít. Thời trẻ thì lo lưu diễn theo đoàn nên mỗi năm chỉ có khoảng 3 tháng chị ở Nha Trang. Sau này, vào TP. Hồ Chí Minh, rồi có thời gian qua Mỹ nên chị càng ít về Nha Trang. Nhưng dù đi đâu, chị và gia đình vẫn mong muốn sẽ trở về Nha Trang để sinh sống và biết đâu sẽ làm được một điều gì đó để góp phần phát triển hoạt động biểu diễn ca nhạc ở đây. Thời gian gần đây, khán giả thấy chị xuất hiện trong một số chương trình truyền hình, như: Cassette hoài niệm trên sóng VTV3, Đời nghệ sĩ trên sóng VTV9… Qua đó, chị có dịp kể cho mọi người nghe và hiểu hơn về câu chuyện đời, chuyện nghề của bản thân. Còn với tôi, một khán giả yêu mến giọng ca Mỹ Hạnh, vẫn mong được trực tiếp nghe chị hát nhiều hơn ở phố biển Nha Trang.
GIANG ĐÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin