22:22, 02/01/2024

Tiếng cồng chiêng về trên phố biển

GIANG ĐÌNH

Trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, rất đông du khách trong nước và quốc tế tập trung về Quảng trường 2 tháng 4 (TP. Nha Trang) để tham gia đêm hội âm vang văn hóa cồng chiêng. Những âm thanh cồng chiêng, mã la vốn thường vang vọng ở núi rừng đại ngàn, nay được diễn xướng, hòa tấu ngay bên bờ biển Nha Trang đã mang lại cảm xúc, hứng khởi mới lạ cho đông đảo du khách. 

Đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai với màn biểu diễn cồng chiêng thể hiện khí chất oai hùng của những chiến binh trong sử thi Đam San.
Đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai với màn biểu diễn cồng chiêng thể hiện khí chất oai hùng của những chiến binh trong sử thi Đam San.

Đêm hội với chủ đề “Biển gọi nối vòng xoang - Thanh âm đại ngàn” do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức thu hút hơn 200 nghệ nhân, diễn viên, cộng tác viên dân tộc thiểu số đến từ 4 địa phương trong tỉnh, gồm: Huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh. Đêm hội còn có sự góp mặt của 2 đoàn nghệ nhân người M’nông, Ê đê đến từ tỉnh Đắk Nông và người Bahnar, Jarai đến từ tỉnh Gia Lai. Chương trình gồm 3 phần: Lắng nghe tiếng của rừng; Biển gọi nối vòng xoang - Thanh âm đại ngàn; Lời Biển Hồ gọi Nha Trang. Qua đó, các nghệ nhân, diễn viên lần lượt thể hiện những bài cồng chiêng đặc sắc của dân tộc mình; những tiết mục văn nghệ mang đậm âm hưởng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc sống dưới mái nhà Trường Sơn.

Đến với chương trình, khán giả được nghe tiếng mã la trầm hùng kết hợp với thanh âm đàn đá ngân nga do đoàn nghệ nhân người Raglai ở Khánh Sơn trình diễn. Đoàn nghệ nhân Khánh Vĩnh lại đưa tới cho người nghe không khí của ngày lễ ăn mừng lúa mới của đồng bào Raglai thông qua những thanh âm hòa tấu mã la kết hợp nhịp nhàng với điệu múa của các thiếu nữ. Tiếng cồng chiêng của đoàn nghệ nhân người Ê đê đến từ xã Ninh Tây (Ninh Hòa) lúc khoan thai, khi thúc giục. Đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Nông với màn trình diễn cồng chiêng trong ngày mừng chiến công của các buôn làng. Trong khi đó, các nghệ nhân tỉnh Gia Lai đã đem đến bầu không khí của đêm sử thi kể về những anh hùng dân tộc, tinh thần dũng cảm của người dân nơi đây.

Các nghệ nhân, nghệ sĩ, người dân, du khách cùng hòa mình trong thanh âm cồng chiêng và bên ánh lửa bập bùng.
Các nghệ nhân, nghệ sĩ, người dân, du khách cùng hòa mình trong thanh âm cồng chiêng và bên ánh lửa bập bùng.

Điểm nhấn của chương trình là phần tái hiện hoạt động sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Tây Nguyên ngay giữa không gian Quảng trường 2 tháng 4. Quanh ánh lửa bập bùng, các nghệ nhân, diễn viên, người dân và du khách cùng nắm tay nhau kết thành vòng tròn và hòa mình vào những giai điệu cồng chiêng đầy sôi động. “Đây là một chương trình ý nghĩa. Qua đó, chúng tôi có dịp được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và kết giao với những người bạn mới. Tôi mong sẽ có nhiều hoạt động như thế này được tổ chức để các nghệ nhân có thể giới thiệu nhiều hơn về nhạc cụ cồng chiêng”, nghệ nhân Y Lanh (đoàn Đắk Nông) chia sẻ. Bà Kim Hye Won (du khách Hàn Quốc) cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi được tham gia hoạt động này. Các bạn có bản sắc văn hóa thật độc đáo, đa dạng và thể hiện rõ tinh thần cộng đồng đoàn kết, sự thân thiện đối với mọi người”.

Ngày 25-11-2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh Khánh Hòa nằm ở khu vực cận Tây Nguyên nên ở nhiều địa phương vẫn còn lưu giữ được những bộ cồng chiêng, mã la. Những tiếng chiêng, tiếng mã la từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây. Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết: “Thực hiện chương trình đêm hội văn hóa cồng chiêng, chúng tôi muốn đưa tới cho mọi người, nhất là khách du lịch những âm điệu trầm hùng, thanh âm sinh động, chân thực do chính những chủ nhân của di sản văn hóa tạo nên. Để từ đó, người dân ở phố biển Nha Trang, đông đảo du khách hiểu thêm về văn hóa cồng chiêng. Đây cũng là hoạt động góp phần vinh danh những giá trị văn hóa của các thế hệ đi trước đã trao truyền lại”.

GIANG ĐÌNH