21:26, 03/11/2023

Vở dân ca kịch bài chòi Thầy khóa làng tôi: Hóm hỉnh mà chua xót

GIANG ĐÌNH

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa vừa diễn báo cáo vở dân ca kịch bài chòi Thầy khóa làng tôi. Vở diễn nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng ẩn chứa đằng sau những tiếng cười là nỗi niềm cay đắng, chua xót trước cảnh học trò đi phò kẻ vô học.

Câu chuyện dối trá

Thầy khóa làng tôi (tác giả kịch bản Hoài Giao, tác giả chuyển thể bài chòi Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn NSND Hoài Huệ) kể câu chuyện về con bà hàng thịt vốn vô học, ngu dốt nhưng phút chốc nổi danh thành Trạng Heo. Vì yêu thương quá mức con gái cụ Chánh Hách nên cậu ta bị quy cho tội sàm sỡ và sắp phải chịu đòn, phạt tiền. Trong cơn nguy khốn đó, bà hàng thịt đến nhờ anh khóa Tuấn - một nho sinh thất thế, thi cử năm lần bảy lượt đều trượt đứng ra làm mưu sĩ. Ban đầu khóa Tuấn không đồng ý, nhưng bà hàng thịt đã dùng món tiền vợ chồng khóa Tuấn vay để ép phải làm theo. Bằng cách biến báo khéo léo của khóa Tuấn, phút chốc con trai bà hàng thịt từ chỗ một tên tội đồ ngu xuẩn đã được nâng lên thành thiên tài trăm năm có một, thông tuệ tuyệt vời và tự nhận mình là Trạng Heo. Điều này khiến cụ Chánh đổi giận làm vui, cho cưới con gái, nhận làm rể quý.

Khóa Tuấn cứu nguy cho con bà hàng thịt trước cụ Chánh.
Khóa Tuấn cứu nguy cho con bà hàng thịt trước cụ Chánh.

Câu chuyện tréo ngoe học trò đi phò người vô học còn được đẩy lên mức độ nghiêm trọng hơn khi quan lớn triều đình đi tìm người thi tài với công chúa phương Bắc. Bất chợt, vị quan Bộ Lễ vớ được Trạng Heo liền trói đưa về kinh thành, đồng thời bắt khóa Tuấn phải tiếp tục đóng vai mưu sĩ phò tá cho Trạng Heo thắng cuộc. Nhưng sự đời mọi biến báo, gian trá dù khéo đến mấy cũng có lúc lòi ra. Kẻ ngu si, vô học sớm muộn cũng sẽ bị lộ chân tướng. Xã hội sẽ không thể tôn vinh mãi kẻ không thực tài. Cái kết cho những trò lừa trên, dối dưới đó là án phạt dành cho tên quan Bộ Lễ nhắm mắt làm liều, tiến cử lung tung; khóa Tuấn tự tô vẽ cho một tên khờ thành Trạng, người có học đi phò kẻ vô học; con bà bán thịt lại trở về nguyên hình của mình.

Tiếng cười trực diện

Kịch bản vở Thầy khóa làng tôi được phóng tác dựa trên câu chuyện dân gian Trạng Lợn. Cách đây hơn 20 năm, kịch bản này từng được dàn dựng cho sân khấu dân ca kịch bài chòi của tỉnh. Trong lần dàn dựng này, vở diễn vẫn giữ được tinh thần châm biếm, hài hước, nhưng tiếng cười ở đây đã không còn kín đáo, thâm thúy theo phong cách hài miền Bắc, mà trở nên trực diện, bộc trực theo kiểu hài miền Trung. Tiếng cười xuất phát từ những cảnh diễn đầu tiên khi Trạng Heo đi ghẹo gái, đến những màn đối đáp giữa Trạng Heo với cụ Chánh, quan Bộ Lễ và công chúa phương Bắc. Khán giả có dịp cười ngả nghiêng trước những câu trả lời vô tri, thậm chí có phần thô tục của Trạng Heo, nhưng qua tài ăn nói, diễn giải của khóa Tuấn đã trở thành lời hay ý đẹp. Cười sảng khoái là thế, nhưng sao trong lòng vẫn thấy xót xa cho cảnh người học chữ thánh hiền, uyên thâm kinh sử nhưng thi cử lận đận, thời vận chưa tới. Để rồi, vì chút tiền nợ mà phải bán rẻ nhân cách kẻ sĩ, biến mình thành kẻ đi lừa dối mọi người. Trong những tháng ngày lún sâu vào vũng lầy đó, cũng có những lúc khóa Tuấn thức tỉnh, muốn thoát ra, nhưng lại bị nhấn xuống sâu hơn.

Theo nhạc sĩ Hình Phước Liên, kịch bản Thầy khóa làng tôi vốn dành cho sân khấu chèo. Khi chuyển thể qua dân ca kịch bài chòi, ê-kíp thực hiện đã có nhiều cố gắng trong cách thể hiện cho phù hợp với đặc trưng của loại hình nghệ thuật này. Vở diễn đáp ứng được tiêu chí hài hước, nhẹ nhàng, đồng thời truyền tải được những ý đồ nghệ thuật trong đó. NSƯT Hoàng Minh Tâm đánh giá cao vai trò của đạo diễn trong tác phẩm này đã mang lại cho khán giả những tràng cười sảng khoái nhưng vẫn thấy nỗi đau đằng sau đó. Vũ đạo, âm nhạc được sử dụng trong vở diễn cũng rất phong phú. Đặc biệt, có nhiều đoạn sử dụng chất liệu bài chòi cổ nên tạo được điểm nhấn với người xem.

Vở diễn Thầy khóa làng tôi được dàn dựng nhằm biểu diễn phục vụ người dân, du khách trong dịp Tết sắp tới. Sau đêm diễn báo cáo, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh sẽ tiếp tục tập luyện để vở diễn hoàn thiện hơn, mang đến cho khán giả một sản phẩm nghệ thuật chất lượng.

GIANG ĐÌNH