21:54, 21/11/2023

Hoạt động của Hội Chữ thập đỏ trên tem bưu chính

NGỤY NHƯ ÁNH

Tháng 8-1946, nhận đơn xin phép của một số nhân sĩ, trí thức yêu nước về việc thành lập Ban Hồng Thập Tự Việt Nam, Bác Hồ đã gặp đại biểu Ban Vận động và nói chuyện về cách tổ chức, hoạt động của Hội Hồng Thập Tự, rồi Bác chỉ ra phương hướng hoạt động để tiến tới việc thành lập hội. Ngày 23-11-1946, Đại hội đại biểu Hồng Thập Tự Việt Nam lần I được tổ chức tại đình Thanh Ấm, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (Hà Nội ngày nay) đã quyết định thành lập Hội Hồng Thập Tự Việt Nam và đổi tên là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đại hội đã bầu Bác Hồ làm Chủ tịch danh dự cho đến khi Người qua đời.

 

Hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xuất hiện nhiều trên tem bưu chính, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với cuộc sống của nhân dân từ những ngày đầu cách mạng, qua các mẫu tem Đông Dương giai đoạn 1945 - 1946 được in đè trên tem chữ Cứu đói, Dân sinh, Binh sĩ bị nạn, Đời sống mới… để gây quỹ cứu trợ và các bộ tem về kỷ niệm Hội Chữ thập đỏ quốc tế phát hành ngày 8-5-1960, ngày 8-5-1961 và ngày 8-5-1963. Cùng với đó là bộ tem Bảo vệ bà mẹ và trẻ em phát hành ngày 1-6-1961; Tiêu diệt bệnh sốt rét phát hành ngày 9-7-1962; kỷ niệm 30 năm, 40 năm và 50 năm Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát hành ngày 27-7-1976, ngày 20-10-1986 và ngày 8-5-1996; kỷ niệm 125 năm Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ quốc tế phát hành ngày 17-2-1988…

Ngoài ra, có 2 bộ tem đặc biệt: Thiếu niên nhi đồng phát hành ngày 8-3-1970 được sử dụng lại vào ngày 25-9-1990 bằng cách in đè trên tem biểu tượng chữ thập đỏ và tiêu đề "Vì thế hệ tương lai" bằng nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Nga, Ý, Trung, Đức, Tây Ban Nha) và bộ tem Chung sống an toàn với đại dịch Covid-19 phát hành ngày 29-4-2021, gồm 2 tem giá mặt 4.000 đồng và 6.000 đồng. Đặc biệt, tem giá mặt 4.000 đồng có phụ thu 2.000 đồng để vận động khách hàng đóng góp vào Quỹ phòng, chống Covid-19 cùng Chính phủ.        

NGỤY NHƯ ÁNH