21:54, 24/11/2023

Hãy để di tích, danh thắng "thức khuya"! 

GIANG ĐÌNH

Di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng là 2 địa điểm thu hút khách du lịch bậc nhất ở Nha Trang - Khánh Hòa. Thế nhưng, sau 18 giờ hàng ngày, 2 địa chỉ này gần như “ngủ im”, du khách muốn tham quan hoặc tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở đây là điều rất hy hữu.

1. Mỗi ngày, di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng đón hàng nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Cùng với đó là lượng lớn người dân trong tỉnh đến tham quan, thực hiện các nghi thức tín ngưỡng dân gian. Di tích Tháp Bà Ponagar có sức hút bởi công trình kiến trúc Chămpa cổ độc đáo; có sự giao thoa, hòa quyện văn hóa giữa 2 dân tộc Việt - Chăm thông qua việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở của đồng bào Chăm và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Di tích này còn được bao phủ bởi lớp sương khói của những huyền tích, câu chuyện kỳ bí lưu truyền trong dân gian. Tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân muôn phương, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên lại nô nức trẩy hội Tháp Bà Ponagar. Từ nhiều năm nay, để góp phần giới thiệu rõ hơn về những nét văn hóa đặc sắc, có thêm hoạt động phục vụ khách tham quan, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã mời đội văn nghệ và các nghệ nhân người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận ra biểu diễn múa Chăm, trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống, giới thiệu nghề dệt thổ cẩm, nghề làm gốm cổ truyền của đồng bào Chăm.

Biểu diễn múa Chăm phục vụ du khách ở di tích Tháp Bà Ponagar. 
Biểu diễn múa Chăm phục vụ du khách ở di tích Tháp Bà Ponagar. 

Danh thắng Hòn Chồng hình thành do sự kiến tạo của tự nhiên. Đó là những khối đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau thành nhiều tầng nhiều lớp, trải dài từ chân đồi La San ra Biển Đông, tạo thành bố cục khá ấn tượng trong cảnh sắc thiên nhiên vịnh Nha Trang... Trong khuôn viên danh thắng Hòn Chồng còn có Hội quán vịnh Nha Trang được đưa vào sử dụng từ năm 2005. Hội quán được xây dựng, lắp ghép từ 15 ngôi nhà cổ dân gian truyền thống của người Việt, còn được gọi là nhà rường. Tại đây, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh trưng bày một số hình ảnh đẹp về vịnh Nha Trang và một số vịnh đẹp thế giới; tổ chức biểu diễn nhạc cụ dân tộc như: Đàn T’rưng, đàn k’lông pút, đàn đá Khánh Sơn, đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc...

Tuy nhiên, 2 địa điểm hút khách này mới chỉ thực hiện việc đón khách vào ban ngày và đóng cửa khi màn đêm buông xuống. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao đã có ý tưởng triển khai hoạt động đón khách đến tham quan Tháp Bà Ponagar vào ban đêm, trong đó cũng đề cập đến việc tôn tạo cảnh quan, cơ sở hạ tầng xung quanh di tích để nơi đây có thể tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tham quan vào ban đêm gắn kết với tour du lịch sông Cái. Tuy nhiên, ý tưởng mới manh nha bước đầu thì đại dịch ập đến… Từ năm 2012, ở danh thắng Hòn Chồng cũng tổ chức các đêm biểu diễn văn nghệ vào thứ Tư hàng tuần. Tuy hoạt động có quy mô không lớn nhưng đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, du khách. Đáng tiếc, đến cuối năm 2019, hoạt động này đã không tiếp tục được diễn ra.  

2. Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng chương trình tham quan đặc biệt với tên gọi “Trăng soi dáng tháp”, dự kiến diễn ra buổi đầu tiên vào 19 giờ ngày 27-12 (nhằm ngày 15-11 âm lịch). Chương trình được thực hiện dưới hình thức sân khấu hóa bán thực cảnh. Theo đó, du khách được tham quan trải nghiệm theo lộ trình nhất định được xây dựng thành một mạch câu chuyện xuyên suốt, giúp du khách dễ dàng cảm nhận được giá trị Tháp Bà Ponagar cũng như nét đẹp văn hóa, con người Khánh Hòa. Trong chương trình sẽ có nội dung giới thiệu văn hóa Chămpa; vùng đất Khánh Hòa xưa và kiến trúc di tích Tháp Bà Ponagar bằng hình thức thuyết minh trực tiếp, sân khấu hóa, trải nghiệm biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Cụ thể, đội ngũ thuyết minh viên sẽ cung cấp cho du khách những thông tin hữu ích về di tích Tháp Bà Ponagar nói riêng và vùng đất Khánh Hòa nói chung; đội văn nghệ của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh và Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng sẽ biểu diễn những tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc phục vụ khách tham quan.

Để chuẩn bị cho chương trình, các đơn vị liên quan đã xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện. Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: “Chương trình “Trăng soi dáng tháp” được xem là một trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gắn với Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh, cũng như công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Sau khi tổ chức chương trình đầu tiên, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức, từ đó tiến tới xây dựng thành chương trình định kỳ hàng tháng với các chủ đề khác nhau trong năm. Qua đó, sẽ tập trung khai thác các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn liền với di tích Tháp Bà Ponagar”.

Với danh thắng Hòn Chồng, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đang có dự định khởi động lại hoạt động biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm ở đây. Điều này càng có cơ sở sau thành công của đêm giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản diễn ra ở Hội quán vịnh Nha Trang vào đầu tháng 10. Ý tưởng cho hoạt động này là sẽ đưa Hội quán vịnh Nha Trang thành một địa chỉ biểu diễn âm nhạc truyền thống dân tộc. Mỗi đêm diễn sẽ có những chủ đề khác nhau, thậm chí sẽ có những đêm giao lưu với các nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh.

Việc đưa vào khai thác hoạt động tại di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh. Điều quan trọng hiện nay là cần tổ chức thực hiện các hoạt động đó như thế nào để mang tính bền vững, thực chất chứ không phải chạy theo phong trào là điều được dư luận quan tâm.

GIANG ĐÌNH