Dư luận đang tranh luận về bộ phim vừa ra rạp “Đất rừng phương nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không đúng như nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi, phim khác hoàn toàn. Đây chính là mấu chốt của một tác phẩm điện ảnh với tác phẩm văn học không “duyên” với nhau, tạo hiệu ứng trái chiều. Vậy mối quan hệ giữa tác phẩm văn học với điện ảnh ra sao trên đường phát triển của mình.
Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng đầu tiên chính là phim Vợ chồng A Phủ (truyện Tô Hoài, phim của đạo diễn Mai Lộc), sản xuất năm 1961 đã gây tiếng vang lớn về nội dung, âm nhạc và diễn viên tham gia. Rồi sau đó có những phim: Tiền tuyến gọi, Nổi gió và đặc biệt là phim Chị Tư Hậu (theo tác phẩm của nhà văn Bùi Đức Ái - Anh Đức, phim của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, sản xuất năm 1963) và phim Ngày lễ thánh (truyện Chu Văn, đạo diễn Bạch Diệp)... Đây là những phim được chuyển thể tiêu biểu trong những năm chiến tranh của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Hòa bình lập lại, nền điện ảnh nền Điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim chuyển thể thành công được công chúng đón nhận, như: Cánh đồng hoang (đạo diễn Hồng Sến), Xa và gần (đạo diễn Huy Thành), Làng Vũ Đại ngày ấy (đạo diễn Phạm Văn Khoa)... Sang thời kỳ đổi mới, có một số phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng đương đại, như: Tướng về hưu (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi), Thương nhớ đồng quê (đạo diễn Đặng Nhật Minh), cả 2 đều từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp; Thời xa vắng (đạo diễn Hồ Quang Minh) chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Lê Lựu; Mê Thảo, thời vang bóng (đạo diễn Việt Linh) chuyển thể từ tác phẩm Chùa đàn của nhà văn Nguyễn Tuân; Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Sơn Nam... Với những tác phẩm này, có thể nói, do chính tác giả văn học chuyển thể hay biên kịch bám sát tác phẩm, đồng thời đạo diễn tôn trọng những nội dung tác phẩm nên đã đem lại mối nhân duyên rất tốt đẹp cho văn học và điện ảnh.
Gần đây, chúng ta có thể nhắc đến một số bộ phim hay chuyển thể: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc của đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Mới đây nhất, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thành công với phim Tro tàn rực rỡ từ 2 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Với nhà văn nữ nổi tiếng này, năm 2010, bộ phim Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cũng gây tiếng vang.
Vì sao có phim thành công, được dư luận khen ngợi, còn có phim lại tạo dư luận như phim Đất rừng phương nam? Trước hết, là do nhà làm phim từ sản xuất, biên kịch và đạo diễn đã làm bộ phim khác hoàn toàn so với tác phẩm văn học, như: Thay đổi thời gian và không gian câu chuyện, thêm những chi tiết, nhân vật hư cấu mới... nên công chúng xem phim thấy ngỡ ngàng. Có thể lý giải đạo diễn và nhà sản xuất đã làm bộ phim theo gu của khán giả thời nay để ăn khách: Vui hài, đánh nhau tưng bừng, đoạn kết có hậu. Do vậy, khán giả yêu văn học có lý do để tranh luận về tác phẩm mà họ kỳ vọng.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin