“Các nhà văn chưa tiệm cận với tâm hồn tuổi thơ hôm nay” - đó là nhận định của nhà văn Lê Phương Liên - Ủy viên Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam khi bà vừa tham gia chấm sơ khảo cuộc thi “Sáng tác văn học thiếu nhi” của Hội Nhà văn Việt Nam. Theo nhà văn, số lượng tác phẩm tham gia cuộc thi tương đối dồi dào, nhưng để chọn ra được tác phẩm ghi dấu ấn thì rất khó. Phần lớn các tác phẩm vẫn theo lối tư duy cũ, những chuyện mà trẻ em hôm nay ít quan tâm, đó là những nhà văn lớn tuổi viết về những kỷ niệm quá khứ. Giống như cha mẹ hay ông bà kể chuyện ngày xưa cho con cháu nhưng chúng không muốn nghe! Một số nhà văn trẻ, có tư duy mới thì viết chưa tới để trọn vẹn một tác phẩm hoàn chỉnh đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc.
Các nhà văn, nhà thơ tham dự trại sáng tác ở Phú Yên giao lưu với các em học sinh. |
Cùng thời điểm này, Nhà xuất bản Kim Đồng đang tổ chức các cuộc gặp gỡ các cây bút tiềm năng ở nhiều miền đất để vận động sáng tác cho cuộc thi đầu tiên của mình mang tên “Giải thưởng sách Kim Đồng”. Có dịp tham dự một số buổi gặp mặt, người viết thấy rằng, tuy lực lượng đông đảo nhưng số cây bút viết cho thiếu nhi rất ít, càng hiếm những cây bút chỉ chuyên viết cho thiếu nhi như các nhà văn lớp trước như: Võ Quảng, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Trần Hoài Dương, Nguyễn Kiên, Thy Ngọc, Phong Thu, Vũ Tú Nam, Trần Đức Tiến... Nhiều nhà văn có khả năng viết thì coi viết cho thiếu nhi như cuộc dạo chơi rồi lại quay về thế giới văn chương người lớn của mình.
Có dịp dự một trại sáng tác cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Phú Yên vừa qua, có thể nhận thấy số cây bút trẻ rất ít, sau trại sáng tác chưa thấy xuất hiện tác phẩm nào chú ý. Điều đáng nói, số người viết dự trại sáng tác đều từ 60 đến 80 tuổi thì dù tâm hồn trẻ trung đến mấy cũng khó đồng điệu tâm hồn với trẻ hay hiểu được suy nghĩ, cách sống của trẻ hôm nay. Ngay cả nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tuy rất ăn khách nhưng tác phẩm của ông cũng dần xa với nhịp sống của bạn đọc trẻ hôm nay, bởi dù rất tài năng nhưng câu chuyện, ngôn ngữ của Nguyễn Nhật Ánh qua mấy cuốn sách gần đây đều mang âm hưởng của thời xưa, nơi miền đất Quảng Nam của ông. Thế nên, sách của ông, người lớn đang rất thích đọc.
Mặc dù vậy, hiện nay vẫn có đội ngũ đông đảo các cây bút viết cho thiếu nhi như: Võ Thu Hương, Nguyên Hương, Hồ Huy Sơn, Bùi Tiểu Quyên, Bảo Ngọc, Nguyễn Thụy Anh, Lê Đức Dương, Lục Mạnh Cường, Nguyễn Thị Kim Hòa, Ngọc Linh, Võ Diệu Thanh, Chu Thanh Hương, Nguyễn Ngọc Hoài Nam. Ngoài ra, còn có những cây bút rất trẻ như: Đoàn Lữ Thụy Phương (con gái của nhà thơ Đoàn Văn Mật và nhà thơ Lữ Mai), Cao Khải An (con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), Lạc An... Các em chỉ mới tuổi thiếu niên mà đã viết được những tác phẩm dày dặn, trong đó đã đạt giải thưởng giá trị như Dế Mèn - Báo Thể thao Văn hóa. Chính các em sẽ đem lại cho văn học thiếu nhi những tác phẩm mang nhiều thông điệp của tuổi thơ hôm nay.
Trẻ em đọc sách tại Nhà sách Phương Nam Nha Trang. |
Thêm một yếu tố nữa mà các nhà văn viết cho thiếu nhi tụt hậu với bạn đọc trẻ đó là dòng sách nước ngoài được các nhà xuất bản nhập về dịch, sản xuất với số lượng lớn. Đó chính là nguồn sách chính mà bạn đọc thiếu nhi hôm nay đang đọc. Với tư duy hiện đại, lối viết thoáng đạt không câu nệ nên nhiều cuốn sách thực sự hấp dẫn. Thêm nữa, các nhà văn Việt ít đọc sách cùng các em nên càng lạc hậu về tư duy. Thế nên, sách có thể in nhưng gây dấu ấn rất khó. Cũng vì lẽ đó, để có một nền văn học thiếu nhi mới thật khó khăn và đầy áp lực với các nhà văn Việt Nam.
DƯƠNG MY ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin