Cùng thời điểm phim Đất rừng phương Nam ra rạp sớm và truyền thông mạnh mẽ đã thu hút công chúng đến rạp, chưa đầy 10 ngày đã đạt mức hòa vốn thì ở Hà Nội có 2 bộ phim cũng được ra mắt báo giới là phim Đào, phở và piano; Hồng Hà nữ sĩ. Cứ tưởng sau đó 2 bộ phim này sẽ ra rạp ngay nhưng một nghệ sĩ tham dự cho biết, phim chiếu chiêu đãi xong rồi... cất kho và không biết bao giờ mới ra rạp được! Thật nghịch lý khi cũng là phim sản xuất nhưng một phim ra rạp ầm ầm để kiếm tiền vé, phim khác lại hẩm hiu không sao đến được với công chúng!
Cảnh trong phim Hồng Hà nữ sĩ. |
Theo lý giải của một đạo diễn thì cả 2 bộ phim Đào, phở và piano; Hồng Hà nữ sĩ đều là phim do Nhà nước đặt hàng! Có nghĩa là chi phí phim đều dùng tiền của Nhà nước. Số tiền đó hẳn không nhỏ với trị giá nhiều tỷ đồng nhưng vẫn chưa đủ vì bao nhiêu tiền dành để làm phim hết, còn việc quảng bá, truyền thông hay liên kết với hệ thống chiếu phim ra sao thì dừng lại vì không có tiền. Có đạo diễn hay nhà sản xuất còn nói: “Phim làm để dự liên hoan phim!”. Công luận biết về thị trường phim thấy xót xa khi các nhà làm phim thời nay vẫn không thay đổi tư duy, chỉ nhăm nhắm đi xin tiền Nhà nước làm xong rồi xếp kho, không quan tâm đến phim có chiếu được hay tìm cách chiếu để gỡ vốn! Chính vì sự “thản nhiên” kiểu cũ này mà có rất nhiều phim đốt tiền tỷ nhưng khi chiếu không ai xem và nhanh chóng xếp kho. Ngay cả nhiều phim được giải liên hoan điện ảnh cũng chỉ Ban giám khảo biết, chứ công chúng không biết gì. Đây là một sự lãng phí to lớn về công sức, trí tuệ, nhiệt huyết của tập thể người làm phim và tiền ngân sách nhà nước.
Theo thống kê, hiện ở nước ta số tổ chức, cá nhân có thể sản xuất phim lên đến con số hàng trăm, nhưng số làm thì chỉ khoảng 10 đơn vị và cá nhân, chủ yếu ở phía nam. Trong số đó lại chỉ có vài nhà sản xuất phim có đủ năng lực để sản xuất phim và phát hành được phim ra thị trường. Chính vì vậy, bức tranh về thị trường điện ảnh vô cùng khó khăn. Với hoàn cảnh hiện nay, hiếm có nhà sản xuất thành công như: Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng… với phim có doanh thu trên 100 tỷ đồng. Vậy vì sao các phim sản xuất ở phía nam lại thành công? Trước hết đó là phim của nhà đầu tư tư nhân, họ thực sự khảo sát nhu cầu, thị hiếu của khán giả để lên phương án sản xuất. Trong quá trình làm phim, hệ thống truyền thông chạy liên tục để quảng bá sản phẩm. Thêm yếu tố nữa, họ tính toán thời điểm khởi chiếu sao cho điểm rơi nhu cầu thưởng thức của khán giả tốt nhất như: Tết, Noel, hè… và phần lớn chọn đối tượng khán giả trẻ vì chỉ có họ mới là khách hàng trung thành chịu khó đến rạp hiện nay. Do tính chất sống còn của truyền thông nên chi phí để bỏ ra rất lớn, có khi chiếm tới 1/3 chi phí sản xuất. Nhà sản xuất phim cũng là nhà đầu tư tài chính, họ thấu hiểu câu “đồng tiền đi liền khúc ruột” nên hết mình với sản phẩm mình làm ra bởi nếu thất bại một dự án thì khó có thể làm tiếp phần sau vì chi phí quá lớn. Dưới góc độ kinh tế, làm phim là một kiểu kinh doanh mạo hiểm, nếu tính toán không kỹ hay chủ quan thì dễ có nguy cơ phá sản!
Phải thừa nhận rằng, với dạng xã hội hóa làm phim có thể có những hạn chế, đó là thiếu những bộ phim nghệ thuật đích thực, nhưng phim do tư nhân sản xuất lại là bức tranh thực của điện ảnh gắn với khán giả. Đã có thời người ta thấy hiện tượng phim “mì ăn liền”, nhưng chính nhờ có kiểu sản xuất đó mới tạo vốn để các nhà làm phim nghệ thuật được công chúng đón nhận.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin