Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành cuốn sách “Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương” của Alexandre Yersin (người dịch Cao Hoàng Đoan Thục) nhân dịp kỷ niệm 160 năm ngày sinh của ông. Cuốn sách đã cho thấy niềm đam mê khám phá những vùng đất mới của A.Yersin trước khi trở thành nhà bác học lừng danh.
Khi A.Yersin đặt chân đến Đông Dương vào năm 1890, người Pháp vẫn đang trong quá trình củng cố quyền lực của mình ở các vùng đồng bằng và châu thổ nơi có nhiều người Việt (Kinh) sinh sống, chưa quan tâm nhiều đến vùng núi cao - nơi có các dân tộc thiểu số sinh sống. Với máu phiêu lưu khám phá, A.Yersin đã xin thôi làm bác sĩ trên tàu biển tuyến Sài Gòn - Hải Phòng của Công ty Hàng hải Messagerisse Maritimes để dấn thân khám phá các vùng thượng du nằm giữa Trung Kỳ và Nam Kỳ - nơi được xem là không thể tiếp cận vào thời đó. Những người nghiên cứu tiểu sử A.Yersin vẫn thường nhắc đến 3 chuyến thám hiểm của ông, nhưng kỳ thực ông có đến 4 chuyến “du hành qua xứ Thượng” từ tháng 7-1891 đến tháng 4-1894. Trong những hành trình đó, A.Yersin đã từ Ninh Hòa hướng lên Đắk Lắk, qua Kon Tum… đặt chân đến thị trấn Stung Treng của Campuchia, A-ta-pư của Lào (Yersin viết là Attopeu). Đặc biệt, ông khám phá ra cao nguyên Lang Biang ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, nơi vài năm sau Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho xây dựng thành phố Đà Lạt để làm nơi nghỉ mát cho người Pháp theo lời khuyên của ông. Lẽ dĩ nhiên, trong hành trình đó, A.Yersin và những người tùy tùng của mình đã đối mặt với nhiều hiểm nguy khi chạm mặt thú dữ, nhiễm dịch bệnh, bị cướp tấn công trên đường khám phá Dran (Đơn Dương). Điều thú vị ông đã đóng vai “sứ giả hòa bình” để hòa giải, tháo gỡ ân oán giữa những cộng đồng người Thượng ở vùng Tây Nguyên; chữa bệnh, tiêm vắc xin ngừa bệnh đậu mùa cho trẻ em… nên đã nhận được sự yêu mến của những người dân bản địa.
Sinh thời, A.Yersin không thích công bố những khám phá của mình, mà chỉ viết lại kết quả các chuyến đi gửi cho chính quyền thuộc địa hoặc các hội địa lý để xin kinh phí tổ chức cho các chuyến đi tiếp theo. Chỉ có duy nhất chuyến đi thứ 4 được tường thuật trực tiếp dưới dạng sách, phần còn lại xuất hiện rải rác trên các tạp chí, bản tin và các tác phẩm tập thể xuất bản rất lâu sau khi chuyến đi hoàn thành. Mãi đến năm 2016, Nhà xuất bản Olizane (có trụ sở tại Thụy Sĩ) mới tập hợp các ghi chép này rồi in thành cuốn sách “Voyages chez les Mois d’Indochine” - nguyên tác của Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương. Cũng chính vì vậy, cuốn sách ít có những trang văn trữ tình bay bổng miêu tả vẻ đẹp tráng lệ của rừng già, núi đồi cao nguyên, thay vào đó là những thông tin ngắn gọn rõ ràng theo phong cách văn bản báo cáo, tường trình. Nói vậy không có nghĩa là cuốn sách về những chuyến thám hiểm của A.Yersin kém giá trị. Ngược lại, với đầu óc của nhà khoa học, A.Yersin đã ghi lại rõ ràng hành trình mình đã đi qua, đặc điểm địa hình, thời tiết các vùng đất mới thông qua những phương tiện khoa học tối tân nhất ở thời đó, như: Máy kinh vĩ, thời kế, la bàn, máy ảnh... Nói cách khác, A.Yersin đã khám phá ra những địa điểm mà người Pháp chưa bao giờ tiếp cận được để bổ sung vào bản đồ Đông Dương. Bên cạnh đó, dù còn sơ lược nhưng A.Yersin cũng có những phát hiện lý thú về phong tục - tập quán, con người, đặc điểm văn hóa… của người Thượng. Đặc biệt, ông đã để lại những tấm ảnh thực tế đầu tiên về đời sống người dân ở “những xứ Thượng ở Đông Dương”. Tất cả đã cho thấy tầm quan trọng và tính tiên phong mà A.Yersin đã làm được trong 4 chuyến du hành kể trên, từ đó phác họa bức tranh sơ khai về một vùng đất vẫn còn bí hiểm của xứ Đông Dương thời bấy giờ.
Một điều thú vị, người dịch cuốn Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương là chị Cao Hoàng Đoan Thục - người đang quản lý Bảo tàng A.Yersin (thuộc Viện Pasteur Nha Trang). Năm 2019, một du khách người Mỹ đến tham quan Bảo tàng A.Yersin đã gặp gỡ và trò chuyện với chị Thục về cuộc đời của nhà khoa học lừng danh này cũng như cuốn sách “Voyages chez les Mois d’Indochine”... "Biết tôi học Pháp văn, du khách này đã khuyên tôi nên dịch cuốn sách “Voyages chez les Mois d’Indochine” ra tiếng Việt. Vài tháng sau, ông gửi cho tôi bản PDF cuốn sách, đồng thời xin phép nhà xuất bản bên Thụy Sĩ cho tôi được dịch ra tiếng Việt. Năm 2021, mùa dịch Covid-19, tôi đã dịch xong cuốn sách nhưng cứ để trong máy tính, bởi từ trước đến nay tôi chưa bao giờ in sách nên không biết phải bắt đầu từ đâu. Năm 2023, khi kỷ niệm 160 năm ngày sinh và 80 năm ngày mất của bác sĩ A.Yersin, nhiều người động viên, tôi đã gửi bản thảo cho Nhà xuất bản Trẻ. Và cuốn sách may mắn được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành đúng vào dịp kỷ niệm 160 năm ngày sinh của bác sĩ A.Yersin (22-9-1863 - 22-9-2023)”, chị Thục chia sẻ.
THÀNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin