Năm 2013, ở Ba Lan, có một sự kiện được nhiều người chú ý, đó là cuốn tiểu thuyết Người đàn bà vô gia cư của nữ nhà văn Katarzyna Michalak đoạt giải cuộc thi “Cuốn sách hay nhất mùa hè 2013”. Sau đó, rất nhiều bạn đọc Ba Lan đã tìm đến cuốn sách, và cũng từ đó, Người đàn bà vô gia cư nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ở Việt Nam, đến năm 2017, Nhà xuất bản Phụ Nữ đã xuất bản cuốn sách trên do dịch giả Lê Bá Thự chuyển ngữ và được đông đảo người đọc đón nhận vì tính nhân văn sâu sắc gắn liền với câu chuyện về người phụ nữ có tên Kinga Krol.
Là một người phụ nữ đầy khát vọng như những người phụ nữ bình thường khác, nhưng sau khi sinh, Kinga Krol bị mắc chứng trầm cảm, trong đầu luôn xuất hiện nỗi ám ảnh về việc bọn mafia sẽ bắt cóc con gái mình để lấy nội tạng đi bán. Do thiếu hiểu biết về căn bệnh trầm cảm sau sinh ở phụ nữ, nên nhiều lần Kinga đã nói với cha mẹ và người thân về sự bất thường trong suy nghĩ của mình, nhưng không ai để ý tới và cho rằng cô có những ý nghĩ nhảm nhí. Thế rồi một lần do bệnh nặng hơn, nghĩ rằng phải bảo vệ con gái trước bọn xấu nên Kinga đã “giấu” đứa bé vào một cái hố và phủ lá lên trên để không ai phát hiện. Rất tiếc, khi làm xong việc ấy thì Kinga bị tai nạn, đến hai ngày sau cô mới tỉnh dậy, gào thét, nhờ mọi người đi tìm con gái lại cho mình. Tuy nhiên, khi cảnh sát vào cuộc, cùng mọi người ra sức kiếm tìm thì mọi việc không còn cứu vãn được nữa. Tòa xử, Kinga trắng án nhưng cô bị giam trong bệnh viện tâm thần như những bệnh nhân khác, cho đến sáu tháng sau mới được ra ngoài. Lúc này, Kinga bị gia đình, người thân, bạn bè xa lánh, trở thành người đàn bà vô gia cư.
Nhiều lần Kinga định tự tử nhưng không thành. Đến lần thứ 9, vào một đêm Giáng sinh, khi Kinga trốn vào một nhà chứa rác để kết thúc đời mình thì bất ngờ nữ phóng viên Aska - vốn là nhân tình của chồng cũ Kinga xuất hiện. Sau khi thuyết phục Kinga từ bỏ ý định tự tử, Aska còn tìm cho Kinga một nơi ở và một công việc… Dần dà, Kinga tin tưởng và kể lại toàn bộ cuộc đời mình cho Aska với hy vọng câu chuyện đó sẽ là bức thông điệp gửi gắm tới những bà mẹ mắc bệnh trầm cảm sau sinh tránh được những hiểm họa khôn lường. Nhưng khi nhà báo đăng tải những thông tin về câu chuyện, Kinga bị những kẻ thực dụng bóp méo để trục lợi bằng cách bịa đặt, thêm tình tiết sai sự thật để câu khách. Dù vậy, với sự giúp đỡ của nhà báo Aska, Kinga lần nữa đã vượt qua được nỗi đau để vươn lên trong cuộc sống đầy đau đớn của số phận.
“Cánh cửa nhà chứa rác sập lại đánh sầm sau lưng nàng. Khi nàng đã vào bên trong cái kho chật chội chứa đầy những thùng ngập rác, nàng tra chìa khóa vào ổ và khóa trái cửa lại. Từ giờ đến mai sẽ không có ai cản trở nàng. Gì thì lúc này cũng đã nửa đêm rồi. Vào giờ này, trong đêm Giáng sinh, không một người bình thường nào đi dọn dẹp nhà cửa, đúng vậy không nào? Chỉ có nàng, Kinga, hôm nay làm công việc dọn dẹp đời mình mà thôi…”. Đoạn văn vừa trích là đoạn mở đầu của tiểu thuyết Người đàn bà vô gia cư, và bắt đầu từ đây, cuốn sách liên tục đưa người đọc đến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác với vô số tình tiết của một câu chuyện có lắm rắc rối trong quan hệ gia đình, trong tình yêu và tình bạn... Đặc biệt, ẩn sau câu chuyện đầy kịch tính ấy là một thông điệp mang tầm thời đại về vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em, một vấn đề quan trọng không riêng của một quốc gia nào đã được đặt ra...
ANH NHẬT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin