20:08, 29/08/2023

Thăm trường xưa Bác dạy

GIANG ĐÌNH

Trong ánh nắng thu vàng tháng 8, khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh 2-9, chúng tôi có dịp đến thăm Trường Dục Thanh - nơi Bác Hồ từng có thời gian dạy học. Thêm một lần chúng tôi lại nhớ về Bác, về những giá trị cao quý Bác để lại cho đất nước, quê hương.

Trường Dục Thanh nằm bên dòng sông Cà Ty (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), nơi cách đây gần 113 năm, Bác Hồ đã từng có thời gian dạy học. Trên tấm bia đá được dựng trong khuôn viên trường cho chúng ta biết những thông tin quý giá về nơi đây. Theo đó, trường được dựng vào năm 1907, do ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh - hai người con của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông khởi xướng. Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ ở tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ. Năm 1910, trên hành trình tìm đường cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học tại đây. Tháng 2-1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn, lên tàu vượt đại dương đi tìm đường cứu nước… Trường Dục Thanh được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1986.

Trường Dục Thanh hay còn gọi Dục Thanh học hiệu được thành lập để hưởng ứng phong trào Duy Tân do các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ. Với mong muốn truyền bá tư tưởng tiến bộ nên Trường Dục Thanh nhận được sự tin tưởng của nhiều sĩ phu yêu nước gửi gắm con em đến học. Sau hai năm trùng tu (1978 - 1980), đến nay, kiến trúc ngôi trường vẫn còn gần như nguyên vẹn. Từ xa nhìn lại, ngôi trường với những mái nhà rêu phong cổ kính, cánh cổng gỗ năm nào vẫn được gìn giữ vẹn nguyên khiến mỗi người đặt chân đến đây đều như tìm về một thời quá khứ. Khuôn viên trường với vườn cây, tiểu cảnh được chăm chút gọn gàng bao quanh 2 dãy nhà lớn bằng gỗ và 1 nhà lầu nhỏ. Bên trong hai nhà lớn được dùng làm phòng học với bảng đen, những bộ bàn ghế gỗ. Ngoài ra, còn có Nhà Ngư vốn được dùng làm nơi để chứa ngư cụ, nhưng sau này được trưng dụng thành khu nhà nội trú của các thầy giáo và học trò ở các tỉnh xa. Phía sau phòng học và Nhà Ngư là Ngọa Du Sào - nơi bàn việc, tiếp khách quý, luận đàm văn thơ của các thầy giáo, nhà nho và sĩ phu yêu nước. Trường mang tên Dục Thanh với ý nghĩa giáo dục thanh niên lòng yêu nước, hưởng ứng truyền bá tư tưởng của phong trào Duy Tân. Năm xưa, khi Bác Hồ đến nơi đây dạy xuất phát từ sự giới thiệu của cụ Trương Gia Mô (bạn cũ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc). Ở tuổi 20, thầy giáo Nguyễn Tất Thành là người trẻ nhất tham gia giảng dạy trong trường. Với phương pháp giảng dạy mới, tiến bộ nên thầy Nguyễn Tất Thành đã truyền đạt cho học sinh không chỉ kiến thức mà còn khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người.

Khuôn viên di tích Trường Dục Thanh hôm nay.
Khuôn viên di tích Trường Dục Thanh hôm nay.

Đến với di tích Trường Dục Thanh, chúng tôi chợt nhớ đến những câu thơ của cố nhà thơ Giang Nam trong bài Thăm trường xưa Bác dạy: “Ghế này xưa, Bác ngồi đọc sách/Căn gác này, Bác thức thâu đêm/Cây che mát những trò chơi tuổi trẻ/Màu hoa vàng như mặt trời lên/Sông Cà Ty nước lớn, ròng hai buổi/Gió mặn khơi xa năm tháng đổ về/Nơi Bác dừng chân, có lời ru của biển/Có mẹ nghèo vất vả sớm khuya…”. Bài thơ ra đời năm 1976, đã phần nào khắc họa một cách chân thực về những hình dung của tác giả về Bác trong những tháng ngày dạy học nơi đây. Ở đó, có nỗi băn khoăn trăn trở của Bác trước vận mệnh nước nhà khi đang trong đêm trường nô lệ. Trong tác phẩm của mình, cố nhà thơ Giang Nam cũng cho mọi người biết về những nơi Bác từng dẫn học trò đi dạo để giảng về địa lý, lịch sử Việt Nam; thấy được nỗi mong chờ của người dân được một lần đón Bác trở lại chốn này. “Tất cả vẫn như ngày có Bác/Hoa nở vàng cánh cửa khép mong manh/Sông Cà Ty bầu trời xanh, gió mặn/Và thủy chung, trong suốt tấm lòng dân”.

Những ngày này, học sinh cả nước đang nô nức bước vào mùa tựu trường. Dưới ánh sáng của Đảng và công ơn của Bác Hồ vĩ đại, hành trang đến trường của các em hôm nay đã vơi bớt đi những nỗi lo toan và đong đầy thêm tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ, thầy cô. Để có dịp đứng trong khuôn viên ngôi trường Dục Thanh, chúng ta lại thầm nhớ về Bác và hiểu hơn về quan niệm trồng người của Bác.

GIANG ĐÌNH