Do phải cạnh tranh với sách nói và sách điện tử, sách giấy truyền thống phải chuyển mình nhanh chóng, tạo ra các tiêu chí thưởng thức mới.
Trong thời gian gần đây, ngành xuất bản Việt Nam đã tỏ ra rất linh hoạt và sáng tạo trong việc nâng cao thẩm mỹ của sách, từ bìa sách cho đến trang nội dung, mang đến một trải nghiệm đọc sách tuyệt vời cho người đọc. Phía sau những trải nghiệm của độc giả là nỗ lực của những con người thầm lặng trong các đơn vị xuất bản.
Minh họa trong sách đã trở thành nghệ thuật độc lập
Trước đây, người đọc thường chỉ quan tâm đến nội dung của sách, bìa sách chỉ được coi là một phần nhỏ, thứ yếu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tiêu chí thẩm mỹ của sách ngày càng được người đọc đặt lên hàng đầu. Bìa sách không chỉ đơn thuần là lớp vỏ bảo vệ sách, mà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt. Dường như thị trường sách Việt Nam đang đầu tư chăm chút hơn vào việc thiết kế bìa sách, từ chất liệu, màu sắc, hình ảnh cho đến kiểu chữ, nhằm tạo nên một sản phẩm hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên, giúp độc giả “mua không hối tiếc”.
Bộ tiểu thuyết Trộm Mệnh (NXB Phụ Nữ Việt Nam) gây ấn tượng với diện mạo đẹp cùng quà tặng móc khóa. |
Sự phát triển của các họa sĩ vẽ bìa sách cũng đóng góp không nhỏ vào sự nâng cao thẩm mỹ của sách Việt. Các họa sĩ ngày nay không chỉ có kỹ năng vẽ tốt mà còn có triết lý riêng trong việc thiết kế bìa sách. Họ không ngừng tìm tòi và sáng tạo, mang đến những bìa sách độc đáo, ấn tượng và sáng tạo. Họa sĩ Hoàng Đậu Xanh (Giải C Sách Quốc gia 2020 với tác phẩm “Lật mở cùng con”) cho biết: “Mỗi tác phẩm minh họa, từ thiết kế bìa sách, poster phim, đến game, đều là một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Vì mỗi tác phẩm đó mang trong mình giá trị độc nhất. Hiện giờ đang có nhiều dấu hiệu cho thấy sự công nhận ấy, từ cả phía người đọc lẫn những nhà quản lý xuất bản. Hơn 10 năm trong nghề, tôi hiểu rất rõ rằng các tác phẩm bìa sách và minh họa hiện nay không chỉ là một phần của cuốn sách nữa, nó còn là cả một bản sắc văn hóa riêng, phản ánh thẩm mỹ của xã hội. Chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của nhiều cuộc thi, triển lãm về bìa sách tại quốc gia và cộng đồng, thể hiện sự quan tâm và tầm ảnh hưởng của sự sáng tạo trong lĩnh vực minh họa và bìa sách…”.
Ngoài việc chăm chút bìa sách, ngành xuất bản Việt Nam cũng quan tâm đến việc trang trí bên trong sách. Minh họa bên trong sách ngày càng được chăm chút và nổi bật hơn. Người đọc không tiếc tiền để chi trả cho những cuốn sách được minh họa cẩn trọng, từ tranh vẽ, hình ảnh minh họa cho đến sự sắp xếp trang nội dung hợp lý. Điều này tạo ra một trải nghiệm đọc sách tuyệt vời, vừa giúp hiểu rõ hơn về nội dung, vừa đem lại niềm vui thẩm mỹ cho người đọc.
Ngoài ra, các tính năng khác như quà tặng kèm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ của sách. Những cuốn sách được kèm theo những quà tặng độc đáo, từ bookmark, sticker cho đến poster hay móc chìa khóa, tạo thêm sự hấp dẫn và giá trị cho người đọc. Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy bước tiến mới của ngành xuất bản - ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa việt Nam.
Những bìa sách tuyệt đẹp với phong cách hội họa riêng của Việt Nam vừa ra mắt trong hai năm qua. |
Vai trò không nhỏ của những người làm giám đốc mỹ thuật
Để có được những tác phẩm bìa sách trọn vẹn, vai trò của Giám đốc Mỹ thuật trong việc quản lý mỹ thuật trên sách và bìa sách đang ngày càng trở nên quan trọng. Nghề này vừa mới vừa không mới. Đây là những người làm việc như một giám tuyển, đóng vai trò không nhỏ trong việc định hình hình ảnh và cảm xúc mà một cuốn sách mang lại cho người đọc. Giám đốc Mỹ thuật là người đầu tiên lựa chọn phong cách và phương pháp minh họa phù hợp với nội dung và mục tiêu của cuốn sách. Họ phải cân nhắc các yếu tố như màu sắc, kiểu chữ, bố cục và hình ảnh để tạo ra một thiết kế bìa sách độc đáo và thu hút người đọc ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Ngoài ra, Giám đốc Mỹ thuật còn đóng vai trò giao tiếp và cộng tác chặt chẽ với các họa sĩ, nhà thiết kế đồ họa và biên tập viên để bảo đảm rằng sự hòa quyện giữa nội dung và hình ảnh là hoàn hảo. Họ phải đưa ra ý kiến và hướng dẫn họa sĩ một cách chính xác để đạt được mục tiêu nghệ thuật và thương mại của cuốn sách.
Linh Lan Books là một trong những đơn vị nổi bật về các bìa sách được đầu tư bài bản, có nét thẩm mỹ đặc trưng và độc đáo. Nhà văn Đức Anh - đại diện công ty Linh Lan Books cho biết: “Ngay từ đầu chúng tôi đã ý thức được vai trò của một người quản lý mỹ thuật. Họ vừa sáng tạo vừa phải tìm hiểu sâu sắc về nội dung, ý tưởng và thị hiếu của ngày càng khắt khe của độc giả. Những nhà quản lý mỹ thuật một mặt phải tạo ra những bìa sách độc đáo, phản ánh tinh thần của tác phẩm và mặt khác hướng tới sự tương tác và hứng thú từ độc giả. Có lẽ quản lý mỹ thuật trên bìa sách là một nghề đòi hỏi sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Ngoài ra các đơn vị xuất bản hiện nay cũng chú trọng vào chất lượng, công nghệ in ấn và các yếu tố tạo nên trải nghiệm đọc sách tốt nhất. Riêng chúng tôi đặt sự tỉ mỉ và chất lượng lên hàng đầu, để bảo đảm rằng mỗi cuốn sách đến tay độc giả là một tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện".
Tập truyện ngắn của Nhà văn Hiền Trang mới được NXB Kim Đồng ấn hành, cùng minh họa vô cùng ấn tượng. |
Việc đầu tư chăm chút vào thẩm mỹ của sách không chỉ thu hút người đọc mà còn tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho ngành xuất bản Việt Nam. Sự sáng tạo và đổi mới trong thiết kế sách là một yếu tố quan trọng giúp ngành xuất bản thích ứng và phát triển trong thời đại số rất nhiều cạnh tranh như hiện nay. Nhờ vào sự nâng cao thẩm mỹ của sách, người đọc có thể tận hưởng trọn vẹn niềm đam mê đọc sách và khám phá vẻ đẹp của từng trang giấy trong những cuốn sách Việt. Rất có thể trong tương lai gần, mỹ thuật trên sách sẽ là cuộc chiến “khốc liệt” của các đơn vị xuất bản, nhưng đó là một tín hiệu vô cùng đáng mừng dành cho văn hóa đọc Việt Nam.
Theo qdnd.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin