1. Những cánh đồng muối Hòn Khói mênh mang mây trời không biết từ khi nào đã trở thành "tài nguyên" nghệ thuật cho các tay săn ảnh ở khắp mọi miền đất nước tìm về. Đáng kể nhất là trong số những bức ảnh được vinh danh tại cuộc thi ảnh SkyPixel 2018 dành cho cộng đồng chụp flycam, thu hút hơn 30.000 tác phẩm của các tay máy đến từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có một bức ảnh chụp cánh đồng muối Hòn Khói. Đó là tác phẩm "Thu hoạch muối" của tác giả Nguyễn Tấn Tuấn ở TP. Hồ Chí Minh.
Vào thời kỳ đầu sáng tác trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Hình Phước Liên đã viết ca khúc "Nhớ từ ngọn gió nam non" bồng bềnh một vùng quê biển Hòn Khói. Thật đúng và cũng thật duyên dáng khi ông gọi muối là trái tim của Hòn Khói mình ơi. Nhạc sĩ cũng không quên dành cho xứ sở này những "nhạc hình" thật đẹp: Ngàn men nắng, tóc mây lộng, hoa biển cuối ghềnh...
Năm 2015, tôi viết bài thơ "Hòn Khói" dự thi và đoạt giải trong cuộc vận động sáng tác thơ, truyện ngắn, bút ký và ca khúc nhân kỷ niệm 5 năm Ninh Hòa thành lập thị xã. Bài thơ dài với hình ảnh chủ đạo là vệt muối quê hương sáng ánh lên bồi hồi nỗi nhớ: Từng đoàn người trong mỗi đêm muộn hay sớm sương vẫn bước ra con đường đi về phía những cánh đồng/Hơn cả trăm năm muối đã cao hơn núi/Hơn cả trăm năm/Mặn đắng ruột thơm môi...
Công việc cuối ngày của diêm dân trên cánh đồng muối. Ảnh: Dương Hoài An |
2. Báo chí trong nước và không ít trang báo nước ngoài đã nhiều lần đăng tải những hình ảnh đẹp của đồng muối Hòn Khói. Còn cư dân mạng, dân phượt thì luôn dành nhiều xuýt xoa, tán dương khung cảnh chiều tà về hay sớm mai lên nơi này.
Những ngày cuối tháng 5, được Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ thị xã Ninh Hòa đề nghị hỗ trợ thiết kế một vài mô hình du lịch mang tính thể nghiệm, tôi đã chọn đồng muối Hòn Khói là điểm đến chính trong hành trình tour trải nghiệm cuộc sống dân dã ở làng quê nam Vân Phong cũng như tour trải nghiệm di sản Ninh Hòa. Du khách không chỉ được đắm mình trong không gian đồng ruộng mênh mông với màu muối, màu mây, màu nước óng ánh lung linh, mà còn được hòa mình vào nhịp điệu lao động của diêm dân: Cùng cào, cùng gánh, cùng thu hoạch...
Tôi còn mong muốn trong đoàn người mà "trong mỗi đêm muộn hay sớm sương vẫn bước ra con đường đi về phía những cánh đồng" như câu thơ tôi viết, sắp tới đây sẽ còn có cả những khách du lịch đi cùng. Họ có thể là những vị khách từ những thành phố lớn hoặc là khách quốc tế, tìm về Hòn Khói, đến ở lại những homestay của chính những hộ gia đình tại địa phương tâm huyết đầu tư, cùng sinh hoạt và cùng "làm muối" với người dân.
3. Đôi lần tôi ưu tư với bạn bè Ninh Hòa rằng Tây Ninh không có biển để làm ra hạt muối nhưng nhãn hàng "muối Tây Ninh" có mặt khắp từng ngõ chợ, quầy tạp hóa, cửa hàng, siêu thị... trên khắp cả nước. Hay mấy năm gần đây, những sản phẩm muối hầm, muối tre, hoa muối... được chế tạo từ muối Sa Huỳnh của cô Thắm Sahu không chỉ gây chú ý trong nước mà còn xuất khẩu ra các nước bạn. Mới hỏi, có người trẻ Ninh Hòa nào nặng lòng với hạt muối dân mình, dám tạo dựng một thương hiệu muối ăn Hòn Khói tương tự vậy cho quê hương không?
Với việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cũng như việc đầu tư nâng cao giá trị sản xuất và chế biến, muối Hòn Khói ngày càng thêm vươn tầm giá trị vật chất của từng hạt muối, vươn tầm giá trị kinh tế thương mại. Nhưng bên cạnh đó, "đời muối" còn chứa trong nó những giá trị khác nữa, tuy khó nhìn thấy tường tận mà vẫn có thể cắt nghĩa được. Hơn thế kỷ đã qua, muối Hòn Khói gắn liền với bao nhiêu phận người phận đời, bao nhiêu biến động lịch sử, bao nhiêu lần đổi thịt thay da trên vùng đất này. Chiến tranh hay hòa bình, hạn hán hay bão lũ, được mùa hay rớt giá... người nông dân Hòn Khói trải qua nhiều thế hệ vẫn chuyên cần dầu dãi nắng sương gìn giữ nghề làm muối truyền thống cho hôm nay, cho mai sau.
Phải chăng đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần chuẩn bị lộ trình, lập hồ sơ trình lên cấp thẩm quyền ghi nhận nghề làm muối truyền thống ở Hòn Khói là di sản văn hóa phi vật thể? Nghề muối Bạc Liêu từ lâu đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Là một trong những đồng muối lớn nhất, nổi tiếng nhất miền Trung và có một đời sống lịch sử lâu dài, muối Hòn Khói xứng đáng được đứng chung trong danh sách đó.
Chợt nghĩ, một "hồ sơ di sản" nếu như chính thức được ghi nhận thì sẽ là một điểm chỉ, một dấu son đầy tự hào, nó sẽ là bản lề trong việc vừa gìn giữ, bảo tồn và phát triển một cách bền vững nghề muối Hòn Khói, vừa góp phần quảng bá rộng rãi hơn nữa giá trị nhiều mặt của muối Hòn Khói, trong đó có sự thúc đẩy, phát triển du lịch Ninh Hòa, du lịch Khánh Hòa.
Ơi Hòn Khói, những cánh đồng muối vẫn lấp lánh, lấp lánh vẫy gọi du khách...
LÊ QUỐC SINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin