Cách đây 20 năm, công chúng yêu văn học xôn xao với những tác phẩm đăng trên mạng Internet của nhà văn Trang Hạ. Vừa du học trở về, Trang Hạ đã nổi đình nổi đám cùng các tác phẩm dịch, viết làm bạn đọc xôn xao. Rồi sau đó, xuất hiện thêm những cây bút như: Nguyễn Thế Hoàng Linh, Hàn Kin, Phong Việt… đem lại một góc văn chương mới lạ phù hợp với công nghệ và thưởng thức của thời đại nghe nhìn qua thiết bị thông minh. Tuy nhiên, cùng với những cây bút nghiêm túc, có tên tuổi thì văn học mạng lại bùng phát tràn lan với đủ kiểu thượng vàng hạ cám, dẫn đến từ bạn đọc cho đến giới chuyên môn đều nhìn nhận không thấy thiện cảm, có ý kiến cho là văn chương thiếu thẩm mỹ.
Tuy vậy, nói như nhà văn trẻ từng nổi tiếng thời đó là Đức Anh thì mặt tích cực của văn học mạng là đã tạo bệ đỡ cho các cây bút trẻ trải nghiệm, tiếp cận với công chúng. Bởi Đức Anh kể, khi mới viết, nhiều cuốn sách anh gửi đều bị các nhà xuất bản từ chối, các cuộc thi không xét… nên đành đưa lên mạng. Khi có bạn đọc thì chuyển ra sách in lại được công chúng đón nhận. Giống Đức Anh, Trang Hạ dù là cây bút nổi tiếng thời bút nhóm Hương Đầu Mùa, nhưng có thể nói văn học mạng mới đưa tên tuổi chị thành cây bút nổi tiếng để sau này chị có thể in sách với lượng bạn đọc rất lớn. Hay công chúng nhớ đến Nguyễn Thế Hoàng Linh, Phong Việt in văn thơ trên mạng, khi ra sách đều có lượng ấn bản vô cùng to lớn chính là nhờ văn học mạng. Hiện nay, có thể kể thêm những cây bút: Đỗ Nhật Phi, Thủy Vũ, Lâm Phương Lam, Hamlet Trương, Iris Cao… rất được công chúng mến mộ. Nhà văn Lâm Phương Lam dù rất trẻ nhưng có tới hơn 10 đầu sách, chị cho rằng so với việc in sách thì công bố tác phẩm trên mạng chỉ cần cú click chuột là tác phẩm đã ùa đến với bạn đọc muôn phương, nếu ai có tên tuổi thì càng dễ tiếp cận.
Có thể thấy, văn học mạng thực sự có một lợi thế mà văn chương truyền thống không sao sánh được. Nhiều nhà văn nổi tiếng như: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Thiều, Văn Công Hùng, Lê Thiếu Nhơn, Phong Điệp, Nguyễn Quang Lập... đều có những trang riêng để quảng bá văn chương của mình và được công chúng đón nhận. Hiện nay, cùng với chữ, còn thêm các loại hình âm thanh, hình ảnh, podcast… để tải văn chương đến với công chúng. Nhưng thực tế hiện nay, để công chúng quan tâm đến văn học là rất khó, nhất là giới trẻ, sách in thì nhiều nhưng lượng bạn đọc đọc sách rất ít. Theo thống kê, những trang thuộc về văn học chính thống như: Hội Văn nghệ, Trang văn... số lượng truy cấp rất ít ỏi. Có nhiều truyện ngắn, thơ ca…, số lượng truy cập chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, văn học mạng chính là môi trường hỗ trợ văn học chính thống phát triển.
Góc khuất của văn học mạng hiện nay chính là cùng với nhiều cây bút có nghề, bản lĩnh thì cũng có quá nhiều “cây bút” tay ngang và nhiều người trong đó chỉ là dạng chế biến, xào xáo các tác phẩm “lá cải” để đăng câu khách. Để có một tác phẩm văn chương đúng nghĩa không dễ dàng, dù ở dạng in hay mạng, do vậy, kiểu văn học mạng “lá cải” hiện nay rất khó tồn tại.
Dù phát triển mạnh nhưng thực tế văn học mạng lại ít được các nhà quản lý quan tâm bởi đây là một mảng trong số hàng nghìn mảng đang trôi nổi trên Internet hiện nay, rất khó quản lý. Nhà thơ Trần Hữu Việt - Trưởng Ban Văn học trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, đã đến lúc các nhà quản lý cần quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, với trách nhiệm của các nhà văn, trong đó có nhà văn trẻ thì việc làm cho văn học mạng phát triển theo đúng nghĩa, đậm chất văn chương, có tính nhân văn là do mỗi người. Bởi bạn đọc sẽ là người sàng lọc tất cả. Nhà văn Lữ Mai - Báo Nhân dân lại cho rằng chính sự “mở” của văn học mạng dẫn đến tình trạng hơi quá đà, tuy nhiên, chính các nhà văn sẽ điều chỉnh được điều đó.
DƯƠNG MY ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin