20:02, 01/08/2023

Đặc sắc bài chòi Khánh Hòa

GIANG ĐÌNH

Nằm trong vùng di sản văn hóa phi vật thể bài chòi miền Trung đã được UNESCO vinh danh vào năm 2017, bài chòi Khánh Hòa vừa mang giá trị chung, vừa có những nét đặc sắc riêng so với các địa phương khác.

Đầy đủ loại hình

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha - hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, di sản bài chòi miền Trung được hình thành 2 khu vực, gồm: Phía bắc miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) diễn xướng theo dân ca, âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên; duyên hải nam miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) diễn xướng theo các làn điệu, âm nhạc dân gian Khu 5. Riêng 2 địa phương Bình Định và Khánh Hòa hội tụ đầy đủ các loại hình: Hội đánh bài chòi; bài chòi trải chiếu; kịch hát bài chòi. Trong đó, hội đánh bài chòi Khánh Hòa được bố trí gồm 9 chòi theo hình chữ nhật, 2 dãy song song đối diện nhau theo chiều dài. Trang phục người điều hành hội chơi và nghệ nhân chơi nhạc mặc áo dài khăn đóng; các anh hiệu, chị hiệu mặc trang phục kiểu vạc hò, có khăn chít trên đầu. Bộ chơi bài chòi gồm 27 quân, được phỏng theo bộ bài tam cúc. Bài chòi trải chiếu bắt nguồn từ hội đánh bài chòi, đây là một bước phát triển khi các anh hiệu, chị hiệu chuyển qua kể những câu chuyện dân gian bằng làn điệu bài chòi. Kịch hát bài chòi được ra đời từ năm 1957, với sự hình thành của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha giới thiệu quân bài chòi được sử dụng trong các hội đánh bài chòi ở Khánh Hòa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha giới thiệu quân bài chòi được sử dụng trong các hội đánh bài chòi ở Khánh Hòa.

Nhìn vào các tỉnh, thành phố khác có di sản, đến thời điểm hiện tại, Khánh Hòa là địa phương còn duy trì đầy đủ 3 loại hình nghệ thuật bài chòi. Hội đánh bài chòi vẫn được diễn ra vào dịp Tết ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các gánh hát, đoàn nghệ thuật tư nhân vẫn đi biểu diễn các trích đoạn, tích truyện bằng các làn điệu bài chòi tại những xóm làng trong và ngoài tỉnh; có Đoàn Dân ca kịch bài chòi thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh với những lớp diễn viên tài năng. Sự tồn tại song song các loại hình nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Người dân có thể trực tiếp tham gia các hội đánh bài chòi đầy sôi động; xem những màn diễn xúc động về tình cảm gia đình, quê hương, đất nước; hay thưởng thức những vở diễn trọn vẹn do các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn.

Tuy vậy, phát biểu tại hội thảo về nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức mới đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toàn - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, bài chòi Khánh Hòa trên thực tế vẫn còn nhiều khoảng trống khoa học cần tiếp tục được sưu tầm, nghiên cứu. Chẳng hạn như vấn đề lịch sử hình thành, phát triển của nghệ thuật bài chòi; những đặc trưng, đặc sắc riêng của nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa… rất cần được tiếp tục tìm hiểu sâu hơn. 

Lan tỏa nghệ thuật bài chòi

Theo nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức, nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa được người dân yêu thích từ hàng trăm năm nay. Hiện tại, đây vẫn là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian thu hút được sự quan tâm của công chúng. Từng loại hình nghệ thuật bài chòi đều cho thấy sự phát triển. Nhiều hội đánh bài chòi được duy trì ở các làng, xã. Các địa phương cũng mở các lớp tập huấn, truyền dạy cách hô hát quân bài cho thế hệ trẻ. Các gánh hát bài chòi tuy không còn ở thời hoàng kim nhưng vẫn duy trì hoạt động. Nhiều nghệ nhân bài chòi vẫn cố gắng đi lưu diễn phục vụ người dân. Đoàn Dân ca kịch bài chòi cũng đang có hướng đi đúng đắn trong việc duy trì hoạt động biểu diễn phục vụ nhân dân.

Cùng chung quan điểm, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha cho rằng, Khánh Hòa cần tiếp tục nhân rộng mô hình hội đánh bài chòi dân gian ở các địa phương, từng bước đưa hội đánh bài chòi thành nét đẹp văn hóa làng xã; có giải pháp hỗ trợ các gánh hát, phục hồi mạnh mẽ nghệ thuật sân khấu bài chòi dân gian. Điều này cần làm sớm để tận dụng trí tuệ, kinh nghiệm, kỹ năng của các nghệ nhân bài chòi.

Một cảnh trong vở dân ca kịch bài chòi Hòn vọng phu do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn.
Một cảnh trong vở dân ca kịch bài chòi Hòn vọng phu do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn.

Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, để thực hiện các nội dung trong Công ước UNESCO về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thời gian qua, tỉnh đã ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi; tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng trình diễn bài chòi; tổ chức các liên hoan bài chòi với quy mô khác nhau; đưa bài chòi vào giới thiệu tại các trường học bằng hình thức sân khấu hóa; mở các tụ điểm đánh bài chòi dân gian; xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin quản lý dữ liệu bài chòi… Tất cả nhằm giữ gìn, lưu truyền nghệ thuật bài chòi dân gian đến người dân và các thế hệ mai sau. Từ đó, tạo nền tảng để đưa nghệ thuật bài chòi ngày càng phổ biến và bay xa.

GIANG ĐÌNH