Tối 12-8, tại quân cảng Học viện Hải quân, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, UBND tỉnh phối hợp tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương”. Để nhân dân, công chúng nắm rõ hơn về chương trình này, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc VOV.
Ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc VOV. |
- Thông qua chương trình “Mạnh giàu từ biển quê hương”, Ban tổ chức mong muốn truyền đi thông điệp gì đến công chúng, thưa ông?
- Ngày 22-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 36 về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu của nghị quyết, các tỉnh, thành ven biển của nước ta đã đưa ra hàng loạt quyết sách, nhằm đưa nền kinh tế biển phát triển bền vững. Để nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36, VOV phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương”. Thông điệp chính của chương trình nhằm hun đúc tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy tiềm năng đa dạng của biển, đảo Việt Nam; khẳng định Việt Nam là quốc gia biển với khát vọng muôn đời chinh phục biển, thịnh vượng từ biển và giữ gìn hòa bình trên biển; phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, phấn đấu đến năm 2030 thực hiện được mục tiêu cụ thể như Nghị quyết số 36 đã đề ra. Chương trình được thể hiện dưới hình thức giao lưu chính luận nghệ thuật, đan xen giữa các phần giao lưu khách mời là các phóng sự hiện trường sinh động, hấp dẫn cùng các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng.
Phối cảnh sân khấu chương trình “Mạnh giàu từ biển quê hương”. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp |
- Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố ven biển. Việc lựa chọn Nha Trang - Khánh Hòa làm nơi tổ chức chương trình, theo ông có ý nghĩa như thế nào đối với địa phương?
- Khánh Hòa có đường bờ biển dài 385km và khoảng 200 đảo lớn nhỏ nằm rải rác trên biển, trong đó có quần đảo Trường Sa với vị trí rất quan trọng về an ninh, quốc phòng và kinh tế của cả nước. Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục. Tỉnh Khánh Hòa khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghiệp cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là mũi nhọn. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nhất là cảnh quan môi trường sinh thái trong phát triển du lịch biển, có thể nói, Khánh Hòa có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước, rất phù hợp với nội dung chủ đạo của chương trình là mạnh giàu từ biển. Việc lựa chọn Nha Trang - Khánh Hòa làm nơi tổ chức chương trình sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của đất và người Khánh Hòa.
- Ông có thể chia sẻ những nét đặc sắc, nổi bật trong kịch bản chương trình “Mạnh giàu từ biển quê hương”?
- Chương trình được diễn ra tại quân cảng Học viện Hải quân (số 30 Trần Phú, TP. Nha Trang), gồm 3 mạch cảm xúc chính với các chủ đề: Tâm thức biển; Việt Nam hướng tới giàu từ biển; Việt Nam hướng tới mạnh về biển. Trong đó, nội dung phần “Tâm thức biển” làm nổi bật tinh thần yêu biển sâu sắc của người dân Việt Nam thông qua các câu chuyện kể, những tiết mục văn nghệ, hình ảnh, phóng sự thực tế. Phần “Việt Nam hướng tới giàu từ biển” sẽ khái quát một bức tranh chung về kinh tế biển Việt Nam thông qua những câu chuyện về phát triển kinh tế xanh bền vững trên biển; về dịch chuyển năng lượng xanh; hay vấn đề phát triển du lịch xanh đã gặt hái được nhiều thành công. Đến phần “Việt Nam hướng tới mạnh về biển”, điểm nhấn quan trọng là sự thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa phát triển bền vững kinh tế biển, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời mở ra hướng đi mới về phát triển kinh tế biển trong thời đại kinh tế mở và hội nhập toàn cầu. Trên nền âm nhạc hào hùng, ánh sáng rực rỡ, chương trình sẽ khép lại cùng hình ảnh lá cờ Tổ quốc trên các tàu cá của ngư dân, lễ chào cờ trên các giàn khoan dầu khí, nhà giàn DK1, tàu hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, công an, hình ảnh các đảo, kiều bào về thăm biển đảo… Tất cả sẽ tạo nên một cảm xúc lắng đọng về tình yêu biển.
- Xin cảm ơn ông!
NHÂN TÂM (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin