20:37, 18/07/2023

Neo đậu bến quê

HỒ ANH MÃO

Xin được lấy tên một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ An Thuyên để nói về làng chài quê tôi. Một xóm chài nhỏ ven dòng sông nhỏ, nằm lọt thỏm giữa hai bờ đê bao và cánh đồng ngô xanh mướt quanh năm. Đối lập với sự sôi động của các làng chài ven biển, làng chài quê tôi bình lặng đến lạ kỳ. Hơn chục con đò như những ngôi nhà di động, mang theo cả gia đình trôi nổi trên sông. Trong các nơi neo đậu, bến quê tôi là bến chính. Một bến đò nằm cạnh bãi ngô, nơi con sông hơi ăn về tả ngạn tạo thành một vòng cung nhỏ. Đây là vị trí đắc địa để con đò trú ngụ, mùa lũ nước không chảy xiết, mùa hạn, sông vẫn đủ độ sâu.

Ảnh internet.
Ảnh internet.

Khi mặt trời khuất dần sau rặng Trường Sơn xa xa phía chân trời, khói lam chiều bay lên từ những con đò khiến ngôi làng nổi trở nên tĩnh lặng hơn bao giờ hết. Âm thanh sôi động nhất lúc này có lẽ là tiếng chí chóe của đám trẻ trong làng tranh nhau trái bóng ngoài doi đất phía xa. Buổi tối, tiếng ê a đọc bài của lũ trẻ, tiếng gõ cạch cạch vào mạn thuyền của những người thả lưới đêm, ánh đèn pin loang loáng quét trên mặt sông, tiếng mái dầm khua nhẹ dưới làn nước mát… cuộc sống mưu sinh tuy vất vả nhưng bình yên đến lạ.

Tiếng là làng chài nhưng người dân quê tôi không sống bằng nghề đánh cá. Cá sông ngày càng ít đi, đánh cả tối có khi chỉ được vài mớ tép đủ để sáng mai ra chợ bán mua gạo, rau dưa hàng ngày. Hầu hết họ phải đi lên thượng nguồn, chở tre, nứa về xuôi bán cho các bãi tập kết hạ nguồn, rồi lại mua vôi, muối ngược lên thượng nguồn bán cho dân ven sông để kiếm đồng ra, đồng vào.

Khó khăn là vậy nhưng bọn trẻ ở đây không đứa nào phải nghỉ học. Thậm chí chúng còn học rất giỏi. Có lẽ, ngoài việc bố mẹ muốn con cái không phải lênh đênh trên sông nước thì việc không có các thiết bị điện tử khiến cho chúng phải đọc sách nhiều hơn. Sau mỗi mùa thi, đứa đỗ vào trường huyện, đứa đỗ đại học khiến làng chài quê tôi vui nhộn hẳn lên. Ngày liên hoan mấy đứa trẻ lên đường, đèn măng sông được thắp lên, sáng trưng cả bến. Mấy gia đình tụ họp, làm mâm cỗ, tập trung trên con đò rộng nhất để cùng nhau liên hoan. Bên ly rượu đầy vơi, niềm vui rạng rỡ trên từng gương mặt, từ sự ngạc nhiên, hân hoan của đám trẻ đến nụ cười trên khóe mắt đầy nếp nhăn của các cụ ông, cụ bà cả đời chỉ biết lênh đênh trên dòng sông, bến nước.  

Mỗi năm, vài thanh niên làng chài lại rời quê đi học đại học, hay vào quân ngũ…, xa dòng sông tuổi thơ từng gắn bó. Làng chài ngày càng nhỏ lại, lớp trẻ ngày càng tiến bước, nhưng dòng sông, bến đò xưa còn đó. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi, đó là niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai của những đứa trẻ bên dòng sông nhỏ này. Người dân làng chài quê tôi luôn tin rằng, những đứa trẻ thành đạt rồi sẽ tìm về bến xưa, nơi đã từng neo đậu cả một khoảng trời thương nhớ của tuổi thơ; nơi nuôi nấng, chở che, chắp cánh tuổi thơ bay xa hơn, cao hơn tới những vùng biển lớn…

HỒ ANH MÃO