23:44, 13/06/2023

Thơ phổ nhạc nhiều nhưng nhạt

Gần đây, nhiều nhà thơ và cả người làm thơ hay khoe trên báo chí, mạng xã hội về thơ của mình được phổ nhạc, có thể từ nhạc sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư. Người ta còn xác lập kỷ lục Việt Nam như tác giả Nguyễn Ngọc Hạnh có 77 bài, hay Nguyễn Lãm Thắng có tới gần 300 bài thơ phổ nhạc, vượt xa “kỷ lục gia” - nhà thơ lớp trước Tạ Hữu Yên có 160 bài hay nhà thơ Hoài Vũ có 50 bài thơ được phổ nhạc. Việc nhà thơ - người làm thơ có thơ được phổ nhạc hiện nay là bình thường. Điều đáng nói, thơ phổ nhạc nhiều nhưng số ca khúc nổi tiếng cùng thơ thì hiếm hoi vô cùng! 

Trước hết, việc phổ thơ thành ca khúc hay, bài hát nổi tiếng đều phụ thuộc hoàn toàn vào nhạc sĩ. Chúng ta có thể nhắc đến các nhạc sĩ phổ thơ nổi tiếng một thời như: Hoàng Hiệp với Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (thơ Phạm Tiến Duật), Ngọn đèn đứng gác (thơ Chính Hữu), Lá đỏ (thơ Nguyễn Đình Thi), Viếng lăng Bác (thơ Viễn Phương), Em vẫn đợi anh về (thơ Lê Giang)... Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh), Bóng cây Kơ nia (thơ Ngọc Anh), Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu (thơ Xuân Quỳnh), Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc)... Nhạc sĩ Phú Quang có Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Đâu phải bởi mùa thu (thơ Giáng Vân), Em ơi Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Nỗi nhớ mùa đông (thơ Thảo Phương)... Ngoài ra, nhiều nhạc sĩ phổ thơ rất duyên như: Nguyễn Trọng Tạo với Làng quan họ quê tôi (thơ Nguyễn Phan Hách), Khúc hát sông quê (thơ Lê Huy Mậu); nhạc sĩ Thuận Yến có Đi trong hương tràm (thơ Hoài Vũ), Gửi em ở cuối sông Hồng (thơ Dương Soái)...; nhạc sĩ Phạm Tuyên có Con kênh ta đào, Gửi nắng cho em (thơ Bùi Văn Dung)...; nhạc sĩ Trọng Đài nổi tiếng phổ những bản nhạc từ thơ và cả ca từ kịch bản: Hà Nội đêm trở gió (Hoàng Quân Tạo), Chị tôi (thơ Đoàn Thị Tảo)... Rất nhiều bài hát hay một thời đều xuất phát từ các bài thơ từ nổi tiếng đến bình thường nhưng cơ bản đều do tài hoa bắt nhịp của người nhạc sĩ.

 

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Hiệp bày tỏ, việc phổ thơ với nhạc sĩ là sự chắt lọc những âm hưởng của bài thơ, tuy nhiên không phải nhạc sĩ nào cũng có duyên để tạo giai điệu từ lời thơ. Nhạc sĩ trữ tình lãng mạn Phan Huỳnh Điểu lại cho rằng thơ chính là nguồn cảm hứng cho nhạc, thơ hay đã kích thích sự hứng khởi cho nhạc sĩ, nhưng để tạo giai điệu thích hợp cho thơ là cả vấn đề. Nhạc sĩ Phú Quang nổi tiếng phổ những bài thơ có kết cấu hình thức rất phức tạp tới siêu hình như bài Hà Nội phố của Phan Vũ, Phú Quang nhặt ra những câu thích hợp trong trường ca của nhà thơ để làm nên ca khúc Em ơi Hà Nội phố trữ tình khắc khoải, hay bài thơ Tình khúc 24 của Dương Tường cũng là lạ, vì chính tác giả thơ cũng không tin những câu thơ siêu hình của mình có thể thành thơ... 

Ngày nay, mỗi năm có hàng nghìn bài thơ lớn nhỏ được phổ nhạc nhưng để có được một ca khúc nổi tiếng như: Phượng hồng (thơ Đỗ Trung Quân), Hương thầm (thơ Phan Thị Thanh Nhàn) của nhạc sĩ Vũ Hoàng; Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên), Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh), Dấu chân phía trước (thơ Hồ Thi Ca) của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn... thì hầu như không có và phần lớn những bản nhạc đều nằm im trên giấy, không được cất vang thành âm nhạc. Theo một nhạc sĩ, sáng tác không khó, nhưng để có tác phẩm hay thì thật khó; muốn công chúng biết phải dàn dựng, từ phối khí, làm nhạc, thuê ca sĩ, rất tốn kém. Phát thanh, truyền hình giờ cũng hiếm khi dàn dựng giới thiệu tác phẩm mới. Còn làm để tự đăng trên kênh YouTube thì cũng chỉ vài người xem hay like! Có thể nói, các nhạc sĩ hiện tại rất khó tạo dựng tác phẩm nổi tiếng về âm nhạc khi không có bệ đỡ truyền thông, chuyên môn. Có nhà phê bình nghệ thuật cho rằng, thời của người mê thơ và đọc thơ đã qua, các nhà thơ làm thơ nhiều nhưng không tinh, không hay nên nhạc sĩ khó phổ hay. Cũng có người cho rằng, bây giờ nhạc sĩ phổ ào ào, giai điệu nhạt nhòa nên nhạc bị quên lãng.

Mà nói cho cùng, thơ phổ nhạc có hay hay không, tất cả cũng đều từ hai chữ: Tài năng!

Dương My Anh