23:30, 16/06/2023

Lan tỏa phong trào văn nghệ quần chúng

GIANG ĐÌNH

15 năm qua, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng ngày càng phát triển. Nhiều hội thi, liên hoan và các mô hình văn hóa, nghệ thuật được tổ chức ở cơ sở đã thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo nên những không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ lành mạnh, vui tươi.

Cái nôi giữ gìn văn hóa truyền thống

Ở thị xã Ninh Hòa, phong trào văn hóa, văn nghệ có sự phát triển mạnh mẽ, đồng đều. Hoạt động sáng tác thơ, ca, nhạc được hình thành ở các thôn, làng, cơ quan, đơn vị, trường học và đi sâu trong các tầng lớp nhân dân. Phong trào biểu diễn văn nghệ quần chúng cũng rất sôi nổi. Thị xã đã tổ chức 21 kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng và nhiều kỳ liên hoan, biểu diễn nghệ thuật khác, thu hút hàng trăm diễn viên, ca sĩ, nhạc công không chuyên tham gia. Các sinh hoạt ca múa nhạc, đờn ca tài tử, trình diễn nghệ thuật bài chòi được duy trì, phát triển ở nhiều phường, xã. “Hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở thị xã Ninh Hòa những năm qua có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, hình thành bản sắc, văn hóa con người của quê hương Ninh Hòa”, ông Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết.

Biểu diễn đánh nhạc cụ đàn đá Khánh Sơn.
Biểu diễn đánh nhạc cụ đàn đá Khánh Sơn.

Trong khi đó, huyện Khánh Sơn lại dành nhiều sự quan tâm đến công tác bảo tồn, truyền dạy, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn tự hào khi lễ bỏ mả đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như nghệ thuật trình diễn đàn đá, hát kể sử thi Raglai, lễ ăn mừng lúa mới của đồng bào Raglai đang được lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Những năm gần đây, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng; liên hoan các làn điệu dân ca Raglai; liên hoan các đội mã la và múa dân gian Raglai; Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn huyện… Tại những hoạt động này, người dân được xem những tiết mục hát kể sử thi và làn điệu dân ca, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, tái hiện một số lễ hội truyền thống của đồng bào Raglai. “Hiện nay, nhiều xã, thị trấn đã thành lập và tổ chức hoạt động có hiệu quả các đội văn nghệ truyền thống cấp thôn như: Đội văn nghệ thôn A Thi (xã Ba Cụm Bắc), thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp), thôn Tà Giang 1 (xã Thành Sơn)… Các đội vừa tham gia biểu diễn, giao lưu văn nghệ phục vụ người dân, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đến năm 2025, huyện phấn đấu có 50% số thôn, tổ dân phố có câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ hoạt động hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn chia sẻ.

Tiết mục tham gia biểu diễn tại Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh của đội văn nghệ quần chúng huyện Khánh Vĩnh.
Tiết mục tham gia biểu diễn tại Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh của đội văn nghệ quần chúng huyện Khánh Vĩnh.

Tiếp tục phát triển phong trào      

Có thể thấy, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23, ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, các địa phương, đơn vị đã xây dựng và phát huy tốt phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng với những mô hình hiệu quả như: CLB bài chòi, đờn ca tài tử ở TP. Nha Trang; các CLB văn học nghệ thuật, thơ ở thị xã Ninh Hòa; các CLB thơ truyền thống ở huyện Cam Lâm; CLB văn học, nghệ thuật ở huyện Vạn Ninh; huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh có các đội biểu diễn nhạc cụ và hát dân ca Raglai… Việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể được triển khai tích cực thông qua hoạt động xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiết mục tham gia biểu diễn tại Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh của đội văn nghệ quần chúng thị xã Ninh Hòa.
Tiết mục tham gia biểu diễn tại Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh của đội văn nghệ quần chúng thị xã Ninh Hòa.

Theo bà Hoàng Chi Chi - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao), những năm qua, hoạt động phong trào văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Để khuyến khích phong trào phát triển, nhiều hội thi, liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh được tổ chức định kỳ hàng năm. Nhiều đề án, dự án về bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống cũng được triển khai đến tận cơ sở. Qua đó, khuyến khích cộng đồng địa phương cùng tham gia quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong đời sống. Cũng từ đó, đã xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện việc xã hội hóa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ rõ, thời gian tới, cần nêu cao trách nhiệm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong đó, cần tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật quần chúng, chú ý phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng những nhân tố tích cực trong phong trào nghệ thuật quần chúng; bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, nghệ thuật. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương thức tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của nhân dân. Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật giữa thành thị - nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng…

GIANG ĐÌNH