23:10, 09/06/2023

Đọc để cảm thông với độ tuổi nổi loạn

THỦY NGÂN

Chúng ta trong đời ai cũng một lần phải trải qua độ tuổi “ẩm ương”, sẵn sàng nổi loạn với những điều cứ nghĩ đó là vô lý. Nhưng tiếc thay, khi qua giai đoạn ấy rồi, nhiều khi ta nhìn những cô bé, cậu bé đang độ tuổi ấy với con mắt khó chịu…

Bắt trẻ đồng xanh (tiếng Anh: The Catcher in the Rye) là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Mỹ J.D.Salinger. Tác phẩm dùng cách tường thuật ở ngôi thứ nhất, cũng là nhân vật chính của truyện Holden Caulfield kể lại câu chuyện của mình trong những ngày cậu ở thành phố New York sau khi bị đuổi khỏi trường dự bị đại học Pencey Prep.

 

Xuất bản lần đầu tiên năm 1951, tác phẩm đã gây ra tranh cãi lớn vì đã sử dụng nhiều ngôn từ thô tục, mô tả tâm lý chán chường và vấn đề tình dục của vị thành niên. Nhân vật chính Holden Caulfield đã trở thành hình tượng cho sự nổi loạn của thanh thiếu niên. Mỗi năm có trung bình khoảng 250.000 bản sách của tác phẩm được bán ra, tính tổng cộng đến nay là khoảng 65 triệu ấn bản. Tác phẩm này đã được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến nay.

Với góc nhìn kể chuyện là cậu học sinh bị đuổi học, chán nản bất cần đời, lẽ ra ở độ tuổi 17 tràn đầy sức sống thì cậu đã nhìn đời bằng con mắt tiêu cực. Cho rằng mình đã sống tử tế nhưng mọi người xung quanh lại sống hết sức bộ tịch, chính vì thế cậu không muốn học theo cách dạy của thầy cô giáo để cái kết là bị đuổi khỏi trường. Câu chuyện nhắn nhủ đến chúng ta phải biết quan tâm đến lứa tuổi này hơn, với những biến đổi về tâm sinh lý khó lường của lứa tuổi sẵn sàng nổi loạn vì bế tắc. Dưới góc nhìn của một cậu học trò, câu chuyện đã dung dị truyền tải vào trong đó nhiều thông điệp của cuộc sống. Cái tài của nhà văn là viết về một cậu bé nổi loạn với những suy nghĩ tiêu cực, đi ngược lại với nhận thức chung nhưng độc giả không vì thế mà chán ghét cậu, ngược lại còn tìm thấy mình thấp thoáng qua những suy nghĩ, phát ngôn của cậu.

Trong cái vẻ ngoài bất cần với những lời nói thô tục đó, thực ra trái tim Holden đang cố gồng mình để mạnh mẽ. Hãy đọc một đoạn trích khi cậu ngồi trên đồi để nhìn xuống phía dưới sân bóng của trường: "Nhưng trận đấu, tôi nào có để mắt đến. Tôi trèo lên đó chẳng qua chỉ vì tôi muốn cảm thấy rõ hơn là mình đã giã từ mãi mãi cái trường chết tiệt này. Gì chứ chuyện bị đuổi tôi chẳng lạ. Nhưng tình thực, tôi chẳng thiết nghĩ tới chuyện phải cuốn gói ra đi. Tôi rất căm chuyện đó. Nhưng không một phút nào thèm nghĩ, đó là chuyện đáng buồn hay chẳng hơi đâu mà buồn. Nhưng mỗi lần chia tay với một nơi nào đó, bao giờ tôi cũng thấy cần phải cảm nhận thật rõ mình đã thực sự đoạn tuyệt với cái nơi mình sắp sửa ra đi. Bằng không tôi vẫn cảm thấy bứt rứt suốt".

Không phải tự nhiên mà Bắt trẻ đồng xanh luôn đứng trong top những quyển sách nên đọc trong đời. Hãy đọc và hòa mình vào cậu thanh niên Holden Caulfield và tự hỏi, mình đã có những tháng ngày bế tắc và giải quyết những bế tắc ấy như thế nào… Tác phẩm xứng đáng để mỗi chúng ta, trẻ con hay người lớn, đọc và nhìn lại chính mình.

THỦY NGÂN