Một ngày đầu tháng 3, tôi được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban tặng cuốn sách Thương nhớ hương vị quê hương vừa được Nhà Xuất bản Đà Nẵng phát hành. Tác giả thật khéo léo khi sử dụng một câu nói bình dị nhưng giàu chất văn để đặt tên cho tập sách mang tính sưu tầm, biên soạn về ẩm thực dân gian. Chỉ mấy chữ "thương nhớ hương vị quê hương" nhưng đã gói đủ cảm xúc, khơi dậy mùi vị, hình ảnh để đưa người đọc ngược dòng thời gian sống lại những hoài niệm riêng tư.
Một ngày đầu tháng 3, tôi được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban tặng cuốn sách Thương nhớ hương vị quê hương vừa được Nhà Xuất bản Đà Nẵng phát hành. Tác giả thật khéo léo khi sử dụng một câu nói bình dị nhưng giàu chất văn để đặt tên cho tập sách mang tính sưu tầm, biên soạn về ẩm thực dân gian. Chỉ mấy chữ “thương nhớ hương vị quê hương” nhưng đã gói đủ cảm xúc, khơi dậy mùi vị, hình ảnh để đưa người đọc ngược dòng thời gian sống lại những hoài niệm riêng tư.
Ngay phần lý do viết tập sách, tác giả đã tạo được sự đồng cảm của độc giả. Ở đó, hình ảnh về người mẹ tảo tần, chịu thương, chịu khó, chăm chồng, chăm con được khắc họa một cách cụ thể, đời thường nhất thông qua việc lựa chọn từng loại thực phẩm tươi ngon, cách thức chế biến những món ăn hợp khẩu vị mọi người; phương pháp truyền dạy cách làm các món ăn... Đặc biệt, bí quyết để tạo nên những món ăn để đời của các bà mẹ chính là dành trọn tình cảm của mình trong đó.
Tập sách có 2 chương. Trong đó, chương 1 cung cấp những kiến thức khái quát về ẩm thực Khánh Hòa. Chương 2 có tên gọi trùng với tên sách, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về từng loại thực phẩm, từng món ăn cụ thể được người dân ưa chuộng trong bữa ăn hàng ngày, vào các dịp lễ, Tết. Ngoài ra, tác giả còn cung cấp các món bánh dân gian, các loại chè, những món ăn đặc trưng liên quan đến các con giáp, món ăn chay...
Lần giở hơn 560 trang sách, độc giả được cung cấp một khối lượng lớn kiến thức phong phú, đa dạng trong văn hóa ẩm thực ở Khánh Hòa. Ở đó, người đọc biết thêm về đặc trưng văn hóa, phong cách ẩm thực xứ Trầm Hương xưa và nay; các nền văn hóa ẩm thực biển đảo, đồng bằng, núi rừng của người dân Khánh Hòa; những loại thực phẩm từ bình dân đến đặc sản, những món ăn nức tiếng gần xa của vùng đất này. Ẩm thực miền biển đảo ở Khánh Hòa với hàng trăm món ăn ngon được chế biến từ các loại hải sản cá, tôm, mực, ốc, ghẹ, hải sâm, rong biển… và nhất là yến sào - đặc sản nổi tiếng của Khánh Hòa. Ẩm thực đồng bằng của Khánh Hòa cũng nổi tiếng với những món ăn được làm từ các loại thủy sản nước ngọt, nước lợ như: Lươn, chình, cá tràu; các loài vật nuôi như: Gà, vịt, heo, bò, dê; những loại nông sản gạo, nếp, rau, củ, trái cây. Ẩm thực miền núi rừng cũng đóng góp nhiều món ăn mà chỉ cần thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi...
Để rồi khi gập sách lại, chợt thấy đọng chút dư vị nao nao trong nỗi nhớ quê xa của những người tha hương đến đất Khánh Hòa, cũng như của những người con Khánh Hòa xa quê hương. Còn với những người hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, hoặc ưa thích tìm hiểu văn hóa ẩm thực dân gian thì cuốn sách là một nguồn tài liệu chất lượng để tham khảo.
Nhân Tâm