11:07, 05/07/2022

Khắc họa hình tượng Đề đốc Trịnh Phong

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa vừa dàn dựng và tổ chức diễn báo cáo vở tuồng Trịnh Phong. Vở diễn đã khắc họa hình tượng Đề đốc Trịnh Phong với tấm lòng yêu nước, kiên trung chống giặc ngoại xâm.

 

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh Khánh Hòa vừa dàn dựng và tổ chức diễn báo cáo vở tuồng Trịnh Phong. Vở diễn đã khắc họa hình tượng Đề đốc Trịnh Phong với tấm lòng yêu nước, kiên trung chống giặc ngoại xâm.


Gần 1 tháng dàn dựng


Trong gần 1 tháng, vở tuồng Trịnh Phong (kịch bản: Nguyễn Sỹ Chức; đạo diễn: NSƯT Hoàng Minh Tâm) đã được Đoàn Nghệ thuật tuồng (thuộc Nhà hát NNTT tỉnh) dàn dựng, tập luyện. Vở diễn được mở đầu với cảnh các chí sĩ, văn thân, dân nghĩa, dân binh chỉ với vũ khí thô sơ, nhưng dưới sự chỉ huy của Đề đốc Trịnh Phong đã chiến đấu kiên cường trước quân Pháp. Từ đó, dẫn dắt người xem trở lại với khoảng thời gian rực lửa Cần Vương trên quê hương Khánh Hòa năm xưa.

 

Cảnh Đề đốc Trịnh Phong hội quân để đánh giặc Pháp.

Cảnh Đề đốc Trịnh Phong hội quân để đánh giặc Pháp.


Thông qua nội dung vở tuồng, ê kíp dàn dựng đã góp phần khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử Đề đốc Trịnh Phong. Ở đó, người xem thấy được phẩm chất chí - nghĩa - tình của Đề đốc Trịnh Phong. Chí làm trai khi đất nước rơi vào cơn nguy biến đó là đứng lên đánh giặc bảo vệ quê hương, đất nước. Trong trận chiến đó, với những người sát cánh đánh giặc, ông đã thể hiện rõ tấm lòng nghĩa nhân của một người chủ tướng đối với đồng đội. Dù trong hoàn cảnh chiến đấu gian nguy, tình cảm của ông đối với mẹ già, với người con gái mình thương vẫn luôn đầy ắp vẹn tròn. Đặc biệt, cho đến lúc bị quân giặc dẫn ra pháp trường, ông vẫn đau đáu nỗi niềm trước cảnh quê hương bị giày xéo bởi giặc Pháp.


Góp phần giáo dục truyền thống

 

Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng tập thể ê kíp dàn dựng và các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát NTTT tỉnh đã nỗ lực để cho ra đời vở tuồng lịch sử về Đề đốc Trịnh Phong thực sự rất đáng ghi nhận. Dàn dựng vở tuồng về một nhân vật lịch sử của quê hương Khánh Hòa và được nhân dân yêu mến, kính trọng là một áp lực lớn đối với ê kíp thực hiện. Với những góp ý của các thành viên trong Hội đồng nghệ thuật, đề nghị ê kíp dàn dựng tiếp thu và có sự điều chỉnh cho hợp lý hơn.

Cách đây 18 năm, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức đã ấp ủ và bắt tay vào viết kịch bản về nhân vật lịch sử Trịnh Phong. Đến nay, trải qua 6 lần chỉnh sửa, kịch bản mới được hoàn chỉnh và đưa vào dàn dựng. “Qua nghiên cứu các dữ liệu lịch sử của vùng đất Khánh Hòa đã nung nấu trong tôi mong muốn viết nên một kịch bản sân khấu tuồng để kể về câu chuyện những chí sĩ, văn thân, sĩ phu xứ Trầm hưởng ứng chiếu Cần Vương. Trong đó, nổi bật và tiêu biểu chính là vai trò của Đề đốc Trịnh Phong”, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức cho biết. Đạo diễn NSƯT Hoàng Minh Tâm cho rằng, việc dàn dựng một vở tuồng lịch sử vốn rất khó khăn và về lịch sử Khánh Hòa lại càng khó khăn hơn. Bởi để vừa đảm bảo tính chân thực của lịch sử, vừa mang tính nghệ thuật và được khán giả chấp nhận là thách thức đối với ê kíp thực hiện. Đặc biệt, khi vở diễn hoàn thành và đưa vào biểu diễn phục vụ khán giả phải góp phần tích cực vào giáo dục truyền thống, nhất là đối với khán giả trẻ.


Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch năm 2022, vở tuồng Trịnh Phong được Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Nhà hát NTTT tỉnh triển khai dàn dựng, tập luyện. Sau buổi diễn báo cáo, vở diễn nhận được những góp ý từ các thành viên Hội đồng nghệ thuật Sở Văn hóa và Thể thao để hoàn chỉnh hơn. “Theo tôi, vở diễn có phần âm nhạc hoàn chỉnh; phục trang, đạo cụ hợp lý, nhưng một số phân đoạn còn dài, một số chi tiết được đưa vào không cần thiết. Phần diễn xuất của nhân vật chính Trịnh Phong, diễn viên cần tiết chế trong một số tình huống để đạt hiệu quả tốt hơn”, nhạc sĩ Hình Phước Liên đánh giá. Họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho rằng, nhìn tổng thể vở diễn, các diễn viên đã thể hiện rất tốt sắc thái diễn xuất ở cả phần hát và vũ đạo. Tuy nhiên, trong phần cảnh trí sân khấu, họa sĩ thiết kế cần nhất quán hơn trong việc sử dụng phong cách tả thực hay ước lệ. Cụ thể hơn là cần thể hiện rõ tính ước lệ, bởi nghệ thuật tuồng vốn có tính ước lệ rất cao.


Ngoài ra, thời lượng vở diễn gần 120 phút là quá dài, nên cần cắt gọt một số đoạn để nội dung, hình thức của vở diễn được chặt chẽ, súc tích hơn. Một số cảnh diễn, các diễn viên cần thể hiện rõ hơn tính chất hào hùng của nhân vật cũng như sự kiện lịch sử, không nên sa đà vào tâm lý ủy mị…


Giang Đình