Ngày 18-5, tại di tích Nhà tù Hỏa Lò diễn ra lễ khai mạc trưng bày "Đứng lên và cất tiếng", thiết thực kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022); 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022).
Ngày 18-5, tại di tích Nhà tù Hỏa Lò diễn ra lễ khai mạc trưng bày “Đứng lên và cất tiếng”, thiết thực kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022); 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022).
Trưng bày “Đứng lên và cất tiếng” điểm lại những dấu ấn của báo chí cách mạng Việt Nam qua 97 năm hình thành và phát triển. Trên chặng đường đầy thăng trầm nhưng cũng vô cùng vẻ vang đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là một nhà báo lỗi lạc, đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà. Những lời dạy của Người đã trở thành bài học giá trị để báo chí cách mạng Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc. Học tập và làm theo lời Bác, các nhà báo - chiến sĩ, dù ở nơi ngục tù tăm tối hay chiến trường khốc liệt, luôn dùng ngòi bút làm “vũ khí mềm” để đấu tranh và cất cao tiếng nói dân tộc.
Trưng bày gồm hai phần nội dung: “Tiếng nói dân tộc” và “Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng”. Trong đó “Tiếng nói dân tộc” điểm lại những mốc son lịch sử trên chặng đường 97 năm hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên vào ngày 21-6-1925, với tâm niệm viết báo là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Ngay cả khi bị bắt giam trong các nhà tù thực dân, đế quốc, các chiến sĩ yêu nước vẫn dùng ngòi bút làm vũ khí để bẻ gãy gông cùm. Những tờ báo đặc biệt được xuất bản sau song sắt đã tố cáo chế độ nhà tù hà khắc, thể hiện ý chí kiên trung, tinh thần lạc quan và niềm tin với cách mạng. Có thể kể đến, Chi bộ Nhà tù Hỏa Lò với các tờ báo “Con đường chính”, “Đuốc Việt Nam”, báo “Lao tù”... do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu chấp bút; Đảng bộ Nhà tù Sơn La với tờ “Suối reo”; Nhà tù Côn Đảo có các tờ báo “Phá ngục” “Văn nghệ”, “Rèn luyện”, “Đoàn kết”, “Quyết tâm”, “Tiến lên”, “Niềm tin”…
Với nội dung thứ hai - “Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng”, trưng bày kể câu chuyện về những nhà báo, chiến sĩ can trường. Vì Tổ quốc, họ sẵn sàng vượt qua mọi gian khó để đưa đến những tác phẩm chân thực, phản ánh sự khốc liệt của cuộc chiến. Nhiều người đã hy sinh khi lao vào hiểm nguy để có được những thước phim, hình ảnh chân thực, như các nhà báo, liệt sĩ: Trần Kim Xuyến, Lê Đình Dư, Dương Xuân Quý, Nguyễn Văn Giá, Phạm Thị Kim Oanh…
Tại lễ khai mạc, các đại biểu đã cùng ôn lại những lời dạy của Bác về công tác báo chí; được xem hoạt cảnh về quá trình “xuất bản” và “phát hành” những tờ báo đặc biệt sau song sắt tại Nhà tù Hỏa Lò; gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các nhà báo chiến trường năm xưa, như: Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành; nhà báo Trần Hồng; nhà báo Trịnh Hải; đại diện gia đình nhà báo liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, nhà báo chiến trường Chu Quang Tuấn...
Trưng bày “Đứng lên và cất tiếng” góp phần tôn vinh chặng đường hoạt động sôi nổi của một nhà báo vì nước - nhà báo Hồ Chí Minh; tôn vinh những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó có sản phẩm báo chí “chưa từng có” ra đời trong các nhà tù thực dân, đế quốc. Trưng bày cũng là lời tri ân dành cho những nhà báo - chiến sĩ đã hy sinh xương máu, cống hiến quên mình cho sự nghiệp vẻ vang của nền báo chí cách mạng vì dân. Trưng bày kéo dài đến hết ngày 31-12.
Theo Hà Nội Mới