Những người yêu điện ảnh có tuổi trên 50 đều nhớ đến Trần Vịnh - gương mặt rất điển trai trong phim "Về nơi gió cát" của đạo diễn Huy Thành trình chiếu đầu thập niên 80. Không chỉ là diễn viên nổi tiếng một thời, Trần Vịnh trở thành đạo diễn phim truyền hình về chiến tranh số 1 Việt Nam với số lượng đạt kỷ lục 54 phim (567 tập) trình chiếu trên sóng truyền hình cả nước, được công chúng đón nhận.
Những người yêu điện ảnh có tuổi trên 50 đều nhớ đến Trần Vịnh - gương mặt rất điển trai trong phim “Về nơi gió cát” của đạo diễn Huy Thành trình chiếu đầu thập niên 80. Không chỉ là diễn viên nổi tiếng một thời, Trần Vịnh trở thành đạo diễn phim truyền hình về chiến tranh số 1 Việt Nam với số lượng đạt kỷ lục 54 phim (567 tập) trình chiếu trên sóng truyền hình cả nước, được công chúng đón nhận.
Trần Vịnh sinh năm 1943 ở Hà Nội, là học sinh lớp đầu Khoa kịch nói (1964-1967) Trường Nghệ thuật Quân đội. Ra trường, chàng trai Hà Nội xung phong vào miền Nam chiến đấu và đầu quân vào Đoàn Văn công giải phóng Thừa Thiên - Huế. Năm 1971, ông tham gia đoàn kịch Tổng cục Chính trị với những vở kịch nổi tiếng như: Đại đội trưởng của tôi, Chị Nhàn, Đêm và ngày… Với gương mặt nam tính, đôi mắt có hồn nên Trần Vịnh thời điểm đó dù rất trẻ nhưng thực sự có triển vọng.
Trần Vịnh chia sẻ, ông đến với điện ảnh là cái duyên từ đầu thập niên 1980 khi được đạo diễn Long Vân mời tham gia đóng phim “Cho cả ngày mai” cùng 2 diễn viên lừng danh: Trà Giang và Lâm Tới. Ông vào vai anh cán bộ cách mạng rất nhân hậu, tốt tính. Vừa đóng xong phim này, ông được đạo diễn Huy Thành mời đóng vai chính trong phim “Về nơi gió cát” mà khi đó ông không biết rằng đây là bộ phim để đời của mình. Phim có cốt truyện rất đơn giản nhưng tình tiết lại vô cùng day dứt, xúc động người xem, gây tiếng vang lớn và được giải vàng liên hoan phim năm 1983. Vai diễn một chiến binh trở về làng trong bộ phim này thực sự là đỉnh cao trong sự nghiệp diễn viên điện ảnh của Trần Vịnh. Đó chính là nhờ công và tài năng của đạo diễn bậc thầy Huy Thành đã giúp ông thăng hoa trong nghệ thuật điện ảnh. Sau đó, Trần Vịnh tham gia tới hơn 30 vai lớn nhỏ của điện ảnh suốt thập niên 80, 90, trở thành gương mặt nổi tiếng một thời.
Rồi lại cái duyên từ người thầy đạo diễn - NSND Huy Thành. Chính đạo diễn Huy Thành đã gợi ý Trần Vịnh sang làm đạo diễn. Sau đó, ông đi làm phó cho các đạo diễn: Long Vân, Trần Thế Dân, Huy Thành… để học nghề. Phim đầu tiên ông làm đạo diễn là “Bến nước” (2 tập), “Hồn biển” năm 1987 được các đạo diễn đàn anh khen động viên.
Trần Vịnh cho biết, vốn xuất thân là người lính, sau này được đi đây đi đó qua những vùng chiến địa xưa, trong tiềm thức ông trỗi dậy tình cảm khó tả. Ông thấy hiện nay làm phim chiến tranh rất hiếm, trong khi chúng ta có nguồn văn học về đề tài chiến tranh rất lớn thì sao không chuyển thể từ văn học sang phim? Vậy nên mới có nhiều bộ phim đề tài chiến tranh do ông làm đạo diễn như: Huế mùa mai đỏ (chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Xuân Thiều), Bến đò xưa lặng lẽ (chuyển thể từ truyện của nhà văn Xuân Đức), Đội du kích Đình Bảng (Xuân Sách)… Trần Vịnh cho biết, làm phim chiến tranh rất vất vả bởi cực kỳ tốn kém, các đạo cụ khó kiếm như súng ống, trang phục, cảnh quan đều thay đổi rất nhiều. Rất may do vốn chuyên trị phim đề tài chiến tranh nên ông có hẳn một kho trang phục đạo cụ từ thời Pháp tới Mỹ. Phim của ông không có ngôi sao mà đều do các diễn viên người địa phương hay đoàn kịch được ông chọn lựa luyện diễn. Điều tự hào nhất với ông khi làm các bộ phim về đề tài này là được tri ân hàng triệu cha anh đã ngã xuống vì đất nước, đem lại những sử liệu hình ảnh cho thế hệ hôm nay.
Mấy năm gần đây, nhiều đài truyền hình địa phương, trong đó có Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa đã dành thời lượng để chiếu những bộ phim chiến tranh của Trần Vịnh. Đó chính là do đích thân đạo diễn đi tận nơi tặng cho các đài. Một việc làm vô cùng xúc động và hữu ích của một người nghệ sĩ chân chính: Đạo diễn - NSƯT Trần Vịnh.
Dương Trang Hương