10:06, 11/06/2021

Đánh thức dòng tranh cổ động

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cuộc thi vẽ tranh cổ động được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức đã mang đến không khí sáng tác sôi nổi. Chỉ tiếc là giới họa sĩ ở Khánh Hòa lại chưa mặn mà tham gia.

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cuộc thi vẽ tranh cổ động được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức đã mang đến không khí sáng tác sôi nổi. Chỉ tiếc là giới họa sĩ ở Khánh Hòa lại chưa mặn mà tham gia.


Nhiều cuộc thi được tổ chức


Tranh cổ động là thể loại đặc biệt trong nghệ thuật mỹ thuật nước ta. Tranh cổ động gắn liền với lịch sử cách mạng và là kênh thông tin hiệu quả để tuyên truyền các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội của nước nhà. Trong khoảng 1 năm nay, Cục Văn hóa cơ sở liên tiếp phát động các cuộc thi vẽ tranh cổ động phạm vi toàn quốc đã góp phần đánh thức dòng tranh này. Mở đầu là cuộc thi sáng tác tranh cổ động về phòng, chống dịch Covid-19 được phát động vào tháng 3-2020. Chỉ trong thời gian 5 ngày, đã có 103 bức tranh của 23 họa sĩ trong cả nước gửi về tham dự. Đây cũng là cuộc thi đoạt Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI năm 2020.

 

Tranh cổ động về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV  và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đặt ở khu vực Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang). (Ảnh chụp trước ngày 23-5)

Tranh cổ động về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đặt ở khu vực Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang). (Ảnh chụp trước ngày 23-5)


Tiếp đó, hàng loạt các cuộc thi được phát động trong năm 2020 và 2021 đã thu hút được số lượng lớn họa sĩ trong cả nước tham gia. Có thể kể đến các cuộc thi sáng tác tranh cổ động những sự kiện lớn như: 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2020 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bảo vệ môi trường; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026; kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước…


Một điểm đáng ghi nhận nữa từ những cuộc thi sáng tác tranh cổ động này chính là việc những tác phẩm xuất sắc không chỉ được triển lãm phục vụ công chúng mà còn được chuyển về cho các địa phương để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền cho các sự kiện liên quan. “Nhờ có nguồn tranh cổ động với những tác phẩm mới do Cục Văn hóa cơ sở chuyển về nên hoạt động tuyên truyền trực quan của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh được sinh động và hiệu quả hơn. Tôi thấy đây là cách làm hay để bảo đảm sự đồng nhất trong hoạt động tuyên truyền cổ động giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước”, ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết.


Giới họa sĩ xứ Trầm vẫn đứng ngoài cuộc chơi


Khi tìm hiểu về các cuộc thi sáng tác tranh cổ động nói trên, thật tiếc là chúng tôi không tìm thấy tên của họa sĩ nào ở Khánh Hòa gửi tác phẩm dự thi. Ở địa phương có lực lượng họa sĩ đông và tài năng thuộc diện nhất nhì khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhưng lại đứng ngoài các cuộc thi vẽ tranh cổ động mang tầm quốc gia, đây thực sự là điều đáng tiếc. Có thể lý giải do thế mạnh chủ yếu của hoạt động hội họa ở Khánh Hòa là mỹ thuật sáng tác; còn lĩnh vực tranh cổ động có ít người vẽ và những người đó cũng không phải là những họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động. Để lại dấu ấn ở tranh cổ động có thể kể tên một số họa sĩ như: Lê Trí, Võ Thủ Đức, Lê Bá Điều.


Theo một họa sĩ tên tuổi ở Khánh Hòa, việc vẽ tranh cổ động tuy dễ nhưng lại… rất khó. Bởi tuy đề tài, chủ đề đã được định sẵn nhưng đó là những đề tài, chủ đề không mới. Vậy nên, muốn thể hiện được đòi hỏi người họa sĩ không chỉ giỏi nghề mà còn phải có hiểu biết, tư duy sáng tạo về các lĩnh vực đề tài yêu cầu để có thể truyền đạt thông điệp qua bức tranh cổ động. Một bức tranh cổ động thường đòi hỏi nhiều ý tưởng, hình, màu, bố cục, chữ... Họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho rằng, phong trào sáng tác tranh cổ động ở Khánh Hòa từ lâu đã không còn sôi nổi. Điều này, một phần do các họa sĩ chuyên tâm vào công việc sáng tạo tranh giá vẽ hơn là vẽ tranh cổ động. Mặt khác, để có được những bức tranh cổ động ấn tượng, mang đến hiệu quả tuyên truyền trực tiếp đòi hỏi người họa sĩ phải chuyên tâm tìm hiểu để có thể chuyển tải được ý nghĩa chính trị, chính sách của Đảng và Nhà nước.


Mục đích chính của tranh cổ động là phục vụ cho công tác tuyên truyền, cổ động trực quan. Vì vậy, rất cần tinh thần trách nhiệm của nghệ sĩ với những nhiệm vụ chung của đất nước. Để thúc đẩy xu hướng sáng tác này, Hội Văn học Nghệ thuật nên có sự động viên, khuyến khích, đồng thời cung cấp thông tin để các họa sĩ trong tỉnh tích cực tham gia các cuộc thi vẽ tranh cổ động. Điều này cũng góp phần đánh giá đúng vai trò, vị trí của tranh cổ động trong đời sống mỹ thuật hiện nay.


Giang Đình