Nhạc kịch Trại hoa vàng được chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chọn biểu diễn góp phần tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Nhạc kịch Trại hoa vàng được chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chọn biểu diễn góp phần tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Trại hoa vàng (biên kịch Hoàng Trang, đạo diễn NSƯT Ánh Tuyết), được triển khai bởi Dự án nhạc kịch hướng nghiệp “Chọn nghề trong muôn nghề” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức và công bố sáng 7/10 tại Hà Nội.
Trong năm 2020, Dự án nhạc kịch hướng nghiệp “Chọn nghề trong muôn nghề” sẽ tổ chức tại Hà Nội 4 buổi tư vấn hướng nghiệp bằng nhạc kịch tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, 15 buổi tư vấn hướng nghiệp bằng nhạc kịch, sân khấu hóa tại các trường THCS, THPT và chuỗi 60 buổi tư vấn bằng hình thức chuyên gia tại các trường THCS, THPT, Cao đẳng, Đại học, Học viện...
Tại buổi tư vấn hướng nghiệp, các em học sinh còn được trực tiếp chia sẻ câu chuyện với các chuyên gia tâm lý, đàm thoại với các Founder & CEO để nắm được nhu cầu thị trường việc làm của hiện tại và trong những năm tới, cần chuẩn bị những gì đáp ứng đủ yêu cầu của các doanh nghiệp.
Nhạc kịch Trại hoa vàng kể câu chuyện về Chuẩn, chàng trai nghèo, thích trồng hoa và luôn mơ ước sau này sẽ làm chủ một trang trại hoa. Đồng hành với Chuẩn là Cẩm Phô, cô gái nhà giàu được anh gửi gắm những rung động đầu đời. Nhưng, khác với những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh, câu chuyện được "lướt" khá nhanh, để đặt tình cảm của 2 bạn trẻ ấy vào bối cảnh năm học cuối cấp 3, khi họ phải chọn trường, chọn nghề để có một hướng đi trong cuộc sống.
Sử dụng hình thức hướng nghiệp bằng thể loại nhạc kịch được xem là một bước đột phá trong việc đổi mới hình thức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đem đến một cái nhìn chân thực và toàn diện hơn cho cả phụ huynh, học sinh thông qua hình thức thể hiện mới lạ, hấp dẫn.
Thông điệp mà vở nhạc kịch hướng nghiệp mong muốn truyền tải tới các bạn trẻ đó chính là các bạn cần có ước mơ, có khát vọng và đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn, thử thách trên con đường lập thân, lập nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, vở nhạc kịch hướng nghiệp cũng gửi gắm tới các bậc phụ huynh hãy luôn quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu với những mong muốn chính đáng của con trẻ, để từ đó ủng hộ, đồng hành cùng các con chinh phục ước mơ.
NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết: "Chọn nghề trong muôn nghề câu hỏi rất thách thức và khó khăn. Ảnh hưởng của nghệ thuật sân khấu đối với việc chọn nghề như thế nào, sự kết hợp đó được thể hiện qua Trại hoa vàng - một câu chuyện rất dễ thương của tác giả Nguyễn Nhật Ánh.
NSƯT Ánh Tuyết xuất thân là ca sĩ nhưng học đạo diễn sân khấu, dành nhiều tâm huyết cho nhạc kịch Trại hoa vàng. Trong những buổi biểu diễn thử nghiệm vừa rồi, vở nhạc kịch đã thu hút được nhiều ảnh hưởng tích cực. Tôi từng xem và duyệt nhiều vở diễn nhưng xem xong Trại hoa vàng tôi cũng thấy vui vì được trở lại thời thanh niên.
Đặc biệt, vở nhạc kịch khuyến khích người ta sống tích cực, không sợ những bước đi mà có thể chưa được xã hội chấp nhận một cách toàn diện, chưa được đánh giá toàn diện. Trại hoa vàng có thể làm lay động, đánh thức một phần suy nghĩ của những người trẻ".
Đạo diễn vở nhạc kịch Trại hoc vàng - NSƯT Ánh Tuyết cho hay: "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là sản phẩm sẽ tới gần với khán giả trẻ. Thông qua nghệ thuật để nói về tư vấn hướng nghiệp, làm mềm đi những bài giảng mà trước đây chúng ta đã làm.
Câu hỏi đặt ra cho chúng tôi, phải làm sao để từ câu chuyện tình cảm trong sáng lứa tuổi học trò - một câu chuyện lãng mạn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - mà lại đưa được nội dung hướng nghiệp tưởng chừng rất khô khan. Sau nhiều lần trao đổi, chúng tôi đã lồng ghép khéo léo và rất may sản phẩm của chúng tôi được các khán giả trẻ đón nhận".
Dự án nhạc kịch hướng nghiệp “Chọn nghề trong muôn nghề” nhận được sự quan tâm hợp tác, đồng hành của nhiều đơn vị. Dự kiến sang năm 2021, dự án sẽ tiếp tục được triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh.
Theo Thể Thao & Văn Hóa