Giữa năm 2015, tạp chí Nha Trang có in truyện ngắn "Tám phút mười chín giây" của Chế Diễm Trâm. Một hôm, ngồi trò chuyện với tôi trong quán cà phê, nhà văn Cao Duy Thảo nói: "Truyện ngắn của Chế Diễm Trâm vừa đăng là một truyện hay! Nội dung không có gì mà viết được một truyện như vậy là giỏi". Đúng vậy, tôi cũng có nhận xét giống ông.
Giữa năm 2015, tạp chí Nha Trang có in truyện ngắn “Tám phút mười chín giây” của Chế Diễm Trâm. Một hôm, ngồi trò chuyện với tôi trong quán cà phê, nhà văn Cao Duy Thảo nói: “Truyện ngắn của Chế Diễm Trâm vừa đăng là một truyện hay! Nội dung không có gì mà viết được một truyện như vậy là giỏi”. Đúng vậy, tôi cũng có nhận xét giống ông. Mấy tháng sau, với truyện ngắn này, Chế Diễm Trâm đã nhận được giải nhì cuộc thi truyện ngắn và thơ do Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật TP. Đà Nẵng tổ chức với chủ đề “Người đô thị”. Năm nay, Chế Diễm Trâm ra mắt tập truyện ngắn và lấy tên truyện ngắn trên để đặt tên chung cho cuốn sách (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2020).
Cuốn sách còn có 14 truyện ngắn khác, hầu hết xoay quanh đề tài tình yêu - hôn nhân - gia đình. Ở mảng đề tài này, tác giả mang đến cho người đọc những trang viết khá nhẹ nhàng. Có khi đó là cảm nhận, trạng thái tình cảm của một nhân vật nữ tên Ngân trước những người khác phái quan tâm đến mình như trong truyện “Ế”; có khi là sự ghen tuông nho nhỏ nhưng đáng yêu như trong “Thầy em”. Có những truyện đề cập đến các mối tình dù thăng trầm song cuối cùng kết thúc cũng có hậu (như trong “Tạ ơn”, “Cứ như là cổ tích”, “Chạp yêu”…); cũng có truyện đề cập đến những mối tình trắc trở, tan vỡ vì một lý do nào đó (như trong “Mép nước”, “Bìm bìm mãi tím”, “Tim ơi, đừng đau nữa”…). Riêng “Thiếu nữ lâu năm” có thể coi là tác phẩm trội hơn ở mảng đề tài này. Truyện kể về một phụ nữ tên Hiên, “quen lối sống phong lưu của vùng đất bờ xôi, ruộng mật”, hiện đại và sành điệu từ cách ăn mặc cho tới bước đi, trở thành sự khó chịu của không ít người trong gia đình, nhưng đó lại là một người xông xáo, đảm đang, đầy tình nghĩa khi gia đình có biến cố.
Là một giáo viên dạy văn, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa, đã từng có vài đầu sách về nghiên cứu phê bình văn học được xuất bản, nhưng ở lĩnh vực sáng tác thì “Tám phút mười chín giây” là tập truyện ngắn đầu tay của Chế Diễm Trâm. Cuốn sách đã mang lại cho người đọc nhiều điều thú vị về cuộc sống đang diễn ra chung quanh, với nhiều tình tiết lạ được khai thác, miêu tả khá tỉ mỉ.
Điểm mạnh ở Chế Diễm Trâm là văn của chị nhẹ nhàng, tinh tế, luôn được trau chuốt. Có lẽ sau điểm tựa là đứa con đầu lòng này, chị sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, sẽ mở rộng sự tìm tòi, khám phá ở nhiều đề tài để tiếp tục có những sáng tác mới, hấp dẫn trên con đường sáng tác của mình.
Hoàng Anh