01:06, 20/06/2020

Mùa báo năm xưa

Thế hệ đứng tuổi tới bây giờ vẫn có thói quen sáng ra, giở một tờ báo cùng ly cà phê, chén trà nóng và coi đó là niềm vui đầu ngày của mình. Chợt nhớ chừng hơn chục năm trước đây thôi, khi mà sáng sớm ở trên phố, cùng với quán điểm tâm thì quầy báo luôn tấp nập người tụ lại mua vài tờ báo cho mình. Vậy mà hiện nay thưa thớt hiu quạnh và cơ hồ sẽ sớm biến mất trên phố để trôi vào ký ức.

Thế hệ đứng tuổi tới bây giờ vẫn có thói quen sáng ra, giở một tờ báo cùng ly cà phê, chén trà nóng và coi đó là niềm vui đầu ngày của mình. Chợt nhớ chừng hơn chục năm trước đây thôi, khi mà sáng sớm ở trên phố, cùng với quán điểm tâm thì quầy báo luôn tấp nập người tụ lại mua vài tờ báo cho mình. Vậy mà hiện nay thưa thớt hiu quạnh và cơ hồ sẽ sớm biến mất trên phố để trôi vào ký ức. Không nói ở đâu xa, chỉ ở Nha Trang đây thôi, ngay từ thập niên 80 nơi đây trở thành phố báo chí vì từ bưu điện bên bờ biển có quầy báo trải rộng với hàng chục đầu báo Trung ương phát hành trong hệ thống bưu điện. Cứ sáng sớm, các anh phát hành đem ra cả bó báo to đùng trải cuộn trên quầy, người mua rộn rã cả góc sảnh. Trước đó, khi đất nước chưa đổi mới, việc phát hành báo chỉ độc quyền của bưu điện thì người ta còn phải xếp hàng hay đặt báo theo tiêu chí: người lớn, cán bộ mua tờ Nhân dân, Quân đội; phụ nữ mua tờ Phụ nữ Việt Nam; thanh niên tờ Tiền phong, công nhân tờ Lao động, trẻ em tờ Thiếu niên, thêm chút có tờ Khoa học đời sống, Sức khỏe, tạp chí Văn nghệ Quân đội... và hiển nhiên có tờ báo địa phương. Việc đặt báo thời bao cấp cũng rất khó, phải có giấy giới thiệu cơ quan mới được mua nhiều báo, còn thường thì chỉ một đến hai tờ. Giá báo khi đó rất rẻ, chỉ 5 xu hay 1 hào, do vậy mua báo đọc rồi bán giấy cũ vẫn có lãi (!)

 

Tiệm báo Hoàng - 25 đường Phan Chu Trinh, TP. Nha Trang  nổi tiếng bán báo một thời.

Tiệm báo Hoàng - 25 đường Phan Chu Trinh, TP. Nha Trang nổi tiếng bán báo một thời.


Nhưng có lẽ tuyệt vời nhất dành cho độc giả chính là thời điểm đất nước đổi mới, báo chí cũng phát triển. Cùng với một số tờ báo truyền thống, nhiều ấn phẩm mới ra đời, khởi đầu là chuỗi của TTXVN: Thể thao Văn hóa, Tin tức, Khoa học kinh tế thế giới. Trong đó, tờ Thể thao Văn hóa ra đời đúng kỳ World Cup bóng đá thế giới tại Tây Ban Nha năm 1982 đã làm bùng nổ thị trường báo chí Việt Nam vì lần đầu tiên độc giả được cầm tờ báo có hình các siêu sao bóng đá, diễn viên điện ảnh thế giới với cách viết vô cùng sống động, hấp dẫn. Tiếp tới chuỗi báo sản xuất từ TP. Hồ Chí Minh: Tuần tin Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an TP. Hồ Chí Minh, Thể thao TP. Hồ Chí Minh… Sau này có thêm Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Thể thao Sài Gòn Giải phóng… đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của hệ thống sạp báo tư nhân khắp nơi, tuy vậy vẫn nổi trội lên những sạp báo nổi tiếng: Hoàng (đường Phan Chu Trinh), Sơn “đen” (chợ Đầm), Nhu (đường Nguyễn Trãi), Chiến - Loan (đường Lý Thánh Tôn), Học, Mai (đường Thống Nhất)… Sạp báo tư nhân có ưu thế vượt trội với bưu điện là chỉ tập trung các ấn phẩm ăn khách, báo về nhanh, đóng ghim báo, xén báo cẩn thận, tận tình chu đáo, vì thế đã thu hút rất đông người mua. Những dịp hè chính là “mùa báo” vì có nhiều sự kiện lớn như: Euro, World Cup, Thế vận hội… số lượng báo phát hành tăng vượt trội, các bản tin nhanh thể thao chạy như tên lửa từ Sài Gòn ra cập bến Nha Trang sáng tinh mơ. Sau này cải tiến thêm khi in tại Nha Trang nhưng không khí báo chí thể thao vẫn nóng rực. Người đọc khi đó có thể nhịn ăn sáng nhưng không thể nhịn tờ tin nhanh thể thao kỳ bóng đá, mặc dù đã xem trực tiếp thâu đêm suốt sáng trên tivi. Đó là điều kỳ diệu mà lớp sau này không có không khí đó với cảm xúc cháy bỏng, tràn trề hạnh phúc.


Có một điều rất thú vị trên thị trường báo chí ăn khách luôn có những “cặp bài trùng” lừng danh: Tuổi trẻ - Thanh niên; Thể thao Văn hóa - Thể thao TP. Hồ Chí Minh, Công an TP. Hồ Chí Minh - An ninh Thế giới; Mực Tím - Hoa Học Trò, Thiếu niên - Khăn Quàng Đỏ…, họ cạnh tranh quyết liệt về nội dung và thị trường, đem lại niềm vui cho bạn đọc. Vì thế, nhiều bạn đọc luôn có thói quen mua hai tờ báo để đọc và đối chiếu so sánh tin tức bài vở.


Nha Trang phát triển mạnh mẽ về giải trí tinh thần của thành phố du lịch nghỉ dưỡng cũng một phần do báo chí tác động. Nha Trang cởi mở, dân chủ chính nhờ báo chí. Nha Trang trở thành thành phố trung tâm miền Nam Trung Bộ, thành trung tâm văn hóa giải trí cũng nhờ báo chí phát triển.


 Có thể thời đã qua, xu hướng mới đã hình thành, báo giấy đã thưa dần cùng các sạp báo nhưng ký ức thời hoàng kim báo chí khó phai mờ trong ký ức bao người.


Dương Trang Hương