10:05, 29/05/2020

Nửa thế kỷ bài hát Thành phố hoa phượng đỏ

Tháng 5 về nhớ nhà thơ Hải Như (1923 - 2017). Không phải ngày sinh, cũng không phải ngày ông đi xa, mà là những kỷ niệm vui buồn phía sau một ca khúc trữ tình.

Tháng 5 về nhớ nhà thơ Hải Như (1923 - 2017). Không phải ngày sinh, cũng không phải ngày ông đi xa, mà là những kỷ niệm vui buồn phía sau một ca khúc trữ tình.


Nhà thơ Hải Như để lại một gia sản văn học đồ sộ, với hơn chục tập thơ, bút ký; nhiều kịch bản sân khấu, kịch thơ, kịch bản phim truyện, kịch bản và lời bình phim tài liệu nghệ thuật. Thơ ông giàu chất trữ tình và chất nhạc. Có khoảng 100 bài đã được phổ nhạc. Trong đó, có nhiều bài nhiều người biết, là nhạc hiệu của các đài phát thanh như: Thành phố hoa phượng đỏ (nhạc Lương Vĩnh), Như hoa hướng dương (nhạc Tô Vũ), Chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu (nhạc Lưu Hữu Phước), Thành phố tiếng thoi (nhạc Huy Thục), Chào bình minh thời đại (hợp xướng, nhạc Nguyễn Đình Tấn)...


Năm 1970, đến Hải Phòng dự đêm thơ về Bác Hồ, nhà thơ Hải Như đã bị những người thợ xi măng, anh công nhân bến Sáu Kho chinh phục bởi tình yêu văn học và tình yêu thơ của họ. Và rồi trong một đêm, ông đã phác thảo lời cho một bài hát để tặng thành phố này, nơi có “những con đường áo thợ tấp nập ngày đêm”. Ca từ mang tựa đề: Thành phố hoa phượng đỏ.


Hồi ấy, ở cửa ngõ Hải Phòng, trên đường từ Hà Nội về đỏ rực một màu phượng chạy dài hàng cây số. Với tình cảm chan chứa, ca từ của Hải Như đã mô tả đầy đặc trưng, địa danh của TP. Hải Phòng: “Những Bến Bính, xi măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên. Những cái tên nghe chẳng thơ đâu, nhưng với ta vô cùng thân thiết...”.


Về Hà Nội, ông đọc ca từ Thành phố hoa phượng đỏ cho nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát nghe và muốn được ông Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam giới thiệu một nhạc sĩ chưa có tên tuổi ở Hải Phòng phổ nhạc. Khoảng một tháng sau, một vị khách gõ cửa nhà ông, tự giới thiệu là nhạc sĩ Lương Vĩnh, ở Đoàn Ca múa nhạc Hải Phòng, được nhạc sĩ Đàm Linh, người theo dõi phong trào âm nhạc Hải Phòng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giới thiệu đến gặp nhà thơ Hải Như nhận ca từ. Hải Như vui vẻ trao đổi ý đồ của mình với nhạc sĩ Lương Vĩnh. Đọc đi đọc lại ca từ nhiều lần, nhạc sĩ Lương Vĩnh xúc động nói: “Cảm ơn anh vì ca từ đã nói hết những gì bấy lâu nay tôi muốn nói”.


Rồi một hôm, trên đường đi Quảng Ninh, nhà thơ Hải Như và nhạc sĩ Lê Yên đã ghé qua Hải Phòng thăm nhạc sĩ Lương Vĩnh. Tại đây, nhạc sĩ Lương Vĩnh mời hai người nghe bài hát mới của anh. Nhạc sĩ phổ thơ Bộ đội về làng đã gật gù khen và bộc lộ niềm vui với nhạc sĩ phổ thơ Thành phố hoa phượng đỏ. Tuy nhiên, hơn một năm trời, qua mấy lần duyệt nhưng địa phương vẫn không cho hát bài này.


Một năm hai tháng sau, khi Đài Tiếng nói Việt Nam duyệt và Kiều Hưng vừa học ở nước ngoài về chọn Thành phố hoa phượng đỏ làm bài hát trình làng thì bài hát mới hết bị phạt “việt vị”. Hồi ấy, tác giả nhạc và tác giả thơ đi đến đâu cũng được thính giả tìm gặp và bài hát này không còn là của riêng Hải Phòng mà đã vang xa tới các chiến lũy, mâm pháo, trên các công trường, cả ngoài hải đảo, biên giới. Năm 1981, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng điện vào TP. Hồ Chí Minh mời nhà thơ Hải Như ra dự lễ hạ thủy con tàu viễn dương đầu tiên của Hải Phòng mang tên Hoa phượng đỏ. Nhà thơ Hải Như được tặng danh hiệu “công dân danh dự” của TP. Hải Phòng.


Thấm thoắt Thành phố hoa phượng đỏ, đứa con tinh thần của nhà thơ Hải Như và nhạc sĩ Lương Vĩnh đã đi vào lòng người tròn nửa thế kỷ. Nhạc sĩ Lương Vĩnh tiếc thay đã ra đi sớm; nhà thơ Hải Như cũng đã quy tiên gần 2 năm. Sinh thời, nhà thơ thường nói rằng thời gian mãi mãi là thước đo sức bền của tác phẩm, người duyệt bài hát là quần chúng. Bài hát Thành phố hoa phượng đỏ chỉ là một ví dụ. Tác phẩm viết ra được nhiều thế hệ độc giả thừa nhận, mến mộ, đó là giá trị, là giải thưởng lớn nhất của người nhạc sĩ đã viết nên những bài ca đi cùng năm tháng.


Thanh Tùng