Thời gian qua, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ văn nghệ sĩ cho ra đời các tác phẩm có giá trị. Qua đó, góp phần phát triển nền VHNT, nâng cao mức hưởng thụ văn nghệ của nhân dân.
Thời gian qua, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ văn nghệ sĩ cho ra đời các tác phẩm có giá trị. Qua đó, góp phần phát triển nền VHNT, nâng cao mức hưởng thụ văn nghệ của nhân dân.
Ngôi nhà của hội viên
Theo họa sĩ Trần Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT tỉnh, từ năm 2014 đến nay, hoạt động VHNT liên tục phát triển với nhiều hình thức hiệu quả, phong phú. Cùng với việc tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ, giới thiệu tác phẩm, các chi hội VHNT chuyên ngành đã chủ động tổ chức nhiều nhóm đi thực tế sáng tác ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh và một số địa phương khác. Hội VHNT tỉnh tổ chức 40 chuyến đi thực tế cho hội viên ở cả 6 chuyên ngành trực thuộc; phối hợp với Nhà sáng tác (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ở các tỉnh, thành tổ chức 4 trại sáng tác cho 50 hội viên. Hội còn tạo điều kiện thuận lợi để hàng chục hội viên các chuyên ngành tham gia nhiều trại sáng tác VHNT do các cơ quan Trung ương tổ chức. Cùng với đó, hội phối hợp tổ chức nhiều sự kiện VHNT tại TP. Nha Trang; tham gia và đạt kết quả cao tại các triển lãm, liên hoan nghệ thuật do Trung ương tổ chức.
Hội cũng đã tập hợp, đầu tư xuất bản, phổ biến nhiều công trình sáng tác, nghiên cứu được giới chuyên môn đánh giá cao. Mỗi năm, có hàng trăm tác phẩm VHNT của hội viên được xuất bản, triển lãm, dàn dựng hoặc phổ biến dưới những hình thức khác nhau. Trong số đó, có rất nhiều tác phẩm đã đạt giải thưởng do Trung ương trao tặng. Để động viên, khích lệ tinh thần lao động nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh, cùng với Giải thưởng VHNT tỉnh 5 năm, hội đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức trao Tặng thưởng VHNT tỉnh hàng năm cho các tác phẩm xuất sắc. Qua 5 lần tổ chức, đã có 89 tác phẩm được UBND tỉnh trao Tặng thưởng VHNT.
Cùng với hoạt động chung của Hội VHNT, ở các chuyên ngành trực thuộc cũng có những hoạt động hỗ trợ hội viên sáng tác. Chẳng hạn, chuyên ngành Văn học đã có 125 tác phẩm được xuất bản. Ở chuyên ngành Sân khấu đã có hàng chục kịch bản được dàn dựng thành vở diễn thuộc sân khấu tuồng hoặc dân ca kịch bài chòi. Chuyên ngành Âm nhạc và Múa có hơn 400 sáng tác mới được công bố, gần 200 bản phối khí, hơn 50 bản khí nhạc, 4 tập sách nhạc đã được xuất bản, phát hành.
Các họa sĩ, nhà điêu khắc ở chuyên ngành Mỹ thuật đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân trong và ngoài nước; tham gia trưng bày tác phẩm ở 5 triển lãm mỹ thuật khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên. Chuyên ngành Nhiếp ảnh đã tổ chức hàng chục chuyến đi thâm nhập thực tế sáng tác. Hàng năm, có hàng trăm tác phẩm nhiếp ảnh được công bố dưới nhiều hình thức khác nhau và được triển lãm ở nhiều nước trên thế giới. Chuyên ngành Văn nghệ dân gian cũng đã hoàn thành nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian có chất lượng khoa học và giá trị thực tiễn. “Sự hỗ trợ của Hội VHNT tỉnh, cùng các hoạt động cụ thể của mỗi chi hội là điều kiện cần để văn nghệ sĩ tích cực sáng tác. Từ đó, ngày càng có nhiều tác phẩm được giới thiệu đến công chúng”, nhạc sĩ Hình Phước Liên cho biết.
Thúc đẩy hoạt động
Họa sĩ Trần Hà: Với tinh thần đoàn kết - dân chủ - đổi mới - trách nhiệm, trong nhiệm kỳ tới, Hội VHNT tỉnh sẽ thực hiện củng cố tổ chức ngày càng vững mạnh về mọi mặt. Từ đó, phát huy khả năng của từng hội viên để có thể sáng tạo ngày càng nhiều tác phẩm có giá trị cao, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân. |
Trong 5 năm qua, Hội VHNT tỉnh đã kết nạp mới 46 hội viên, nâng tổng số hội viên đang sinh hoạt lên 385 người. Xác định tầm quan trọng trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu các tài năng VHNT trẻ, hội thường xuyên tạo điều kiện để các tác giả phát huy khả năng. Hội phối hợp với các ban, ngành trong tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác VHNT; nhiều tác giả trẻ được kết nạp vào hội; nhiều hội viên trẻ được cử đi tham gia các trại sáng tác VHNT. “Những kết quả đã đạt được trong hoạt động VHNT là rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, số lượng tác phẩm về truyền thống vùng đất Khánh Hòa còn ít; công tác bồi dưỡng, phát hiện tài năng trẻ chưa có sự phối hợp đồng bộ; các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật phục vụ khách du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu”, họa sĩ Trần Hà nhìn nhận.
Để thúc đẩy VHNT tỉnh tiếp tục có những bước phát triển và thực sự để lại được dấu ấn trong lòng công chúng, rất cần có sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hội. Đây phải là chiếc cầu nối, là bệ phóng và là mái nhà đối với văn nghệ sĩ. Có như thế mới khơi dậy tiềm năng sáng tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh. Việc giới thiệu, kết nạp hội viên mới cần được tổ chức thường xuyên và chú trọng đến vấn đề chất lượng hội viên; tổ chức nhiều hơn các chuyến đi thâm nhập thực tế, các cuộc du khảo về nguồn nhằm tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận và sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng. Bên cạnh đó, phối hợp đồng bộ với các sở, ban, ngành, địa phương để tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác VHNT mang giá trị thiết thực; mở nhiều hơn các triển lãm, trại sáng tác, các hình thức công bố tác phẩm… để văn nghệ sĩ có điều kiện đưa tác phẩm đến công chúng.
Giang Đình