09:05, 24/05/2019

Những trái mận xanh

Mùa hè đến, trên đường phố Nha Trang bắt đầu xuất hiện những chiếc xe đẩy, gánh hàng rong, những mẹt, thúng… đầy ắp những quả mận tím sẫm hoặc xanh nhạt. Trời nắng nóng, khi thấy những trái mận tròn căng ấy, ai cũng thèm. Tôi cũng không ngoại lệ. Chỉ khác là, mỗi khi đưa trái mận lên miệng, cắn một miệng, nhấm nháp vị chua chua ngọt ngọt đôi khi pha lẫn chút chan chát ấy, trong ký ức tôi lại hiện lên hình ảnh một người…

Mùa hè đến, trên đường phố Nha Trang bắt đầu xuất hiện những chiếc xe đẩy, gánh hàng rong, những mẹt, thúng… đầy ắp những quả mận tím sẫm hoặc xanh nhạt. Trời nắng nóng, khi thấy những trái mận tròn căng ấy, ai cũng thèm. Tôi cũng không ngoại lệ. Chỉ khác là, mỗi khi đưa trái mận lên miệng, cắn một miệng, nhấm nháp vị chua chua ngọt ngọt đôi khi pha lẫn chút chan chát ấy, trong ký ức tôi lại hiện lên hình ảnh một người…


Mùa hè năm thứ nhất, khi đang là lưu học sinh ở Liên Xô (cũ), chúng tôi được đi nghỉ mát tại một nhà nghỉ cách thành phố chừng 30km. Bên cạnh nhà nghỉ là khu trang trại xanh mướt um tùm cây trái, khiến chúng tôi thường nhìn sang, vừa ngưỡng mộ vừa khao khát. Một buổi tối, cả bọn rủ nhau đột kích nhà hàng xóm. Mục tiêu là những cây mận vì lê, táo, phúc bồn tử… còn xanh. Biết ăn trộm chẳng hay ho gì nên mỗi đứa vội leo lên một cây, hái lấy hái để những quả mận nào mà tay chạm tới, chẳng cần biết chín hay sống.


Bất chợt, từ đâu đó vang lên những tiếng quát: “Ai đó?”, “Ai đang làm gì đó?”, cùng với tiếng chân và ánh đèn pin loang loáng. Ngay lập tức, mấy đứa bạn tôi nhảy xuống, nháo nhào chạy, chui tọt qua hàng rào. Riêng tôi, do ánh sáng đèn chiếu ngay vào mặt nên luống cuống và sợ hãi, rơi bịch xuống đất. Những trái mận bọc trong áo rơi ra lăn lóc.


Tôi định đứng dậy nhưng cơn đau nhói ở cổ chân khiến tôi không thể nhúc nhích. Dưới ánh đèn, tôi nhận ra một người đàn ông chừng 60 tuổi đang cúi nhìn. Trái với suy nghĩ của tôi, ánh mắt ông không giận dữ hay đe dọa. Ông chỉ dịu dàng: “Sao lại vội vàng để bị ngã thế? Cháu có bị đau ở đâu không?”. Cảm giác sợ hãi biến mất. Tôi ngượng ngùng: “Cháu… Cháu xin lỗi bác!”. Ông cười nhân hậu: “Biết lỗi là tốt. Thôi! Về nhà đi”. Tôi chỉ vào cái chân, nhăn nhó: “Cháu đau lắm, không đi được”. Ông đỡ tôi đứng dậy, từng bước dìu tôi vào nhà. Sau khi xem xét, ông nói: “May không bị gãy xương. Chỉ bong gân thôi”. Rồi ông xuống bếp lấy ít đá, chườm chỗ đau cho tôi một cách cẩn thận. Vừa làm, ông vừa nói: “Nếu các cháu thích ăn mận, chỉ cần nói với bác một tiếng, bác sẽ hái cho những quả chín. Chứ những cây mận mà các cháu vừa hái hãy còn xanh lắm, chưa ăn được đâu”. Tôi lúng búng: “Dạ, cháu xin lỗi ạ”.


Thật ra, đâu phải chúng tôi thèm ăn mận. Mận chín bán đầy ngoài chợ, vừa to vừa ngọt mà giá rất rẻ. Hái trộm chỉ là tính nghịch ngợm tuổi học trò. Chứ những quả mận xanh ấy, có hái về cũng bỏ vì chát.


Được chườm đá, chỗ đau dịu hẳn. Nhờ băng thun quấn quanh cổ chân, khi ông đưa ra cổng, tôi có thể bước đi dễ dàng. Ông dặn tôi thỉnh thoảng chườm đá và khi ngủ kê chân lên cao. Chia tay, ông nháy mắt: “Rảnh thì rủ các bạn sang nhà, bác sẽ đãi mận chín và nhiều thứ trái cây khác. Không cần phải trộm, nhé”.


Rất nhiều năm đã trôi qua. Nhưng tấm lòng nhân hậu của người đàn ông ấy nói riêng và của những người Nga nói chung, chúng tôi không bao giờ quên.


Trần Thị Giao Thủy