Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Phạm Việt Tùng vừa hoàn thành bộ phim tài liệu về 3 nhân vật nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng ở Khánh Hòa với tựa đề "Ba đứa chúng mình". Mối tình đồng chí, tình bạn, tình anh em giữa 3 cán bộ lão thành cách mạng: Nguyễn Minh Vỹ, Lý Văn Sáu, Võ Văn Sung đã được khắc họa chân thực trong phim.
Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Phạm Việt Tùng vừa hoàn thành bộ phim tài liệu về 3 nhân vật nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng ở Khánh Hòa với tựa đề “Ba đứa chúng mình”. Mối tình đồng chí, tình bạn, tình anh em giữa 3 cán bộ lão thành cách mạng: Nguyễn Minh Vỹ, Lý Văn Sáu, Võ Văn Sung đã được khắc họa chân thực trong phim.
Đạo diễn Phạm Việt Tùng cho biết, từ những sự tìm hiểu riêng mình về 3 nhà báo, 3 người cán bộ cách mạng đã vun đắp trong ông ý tưởng làm một bộ phim có thể chuyển tải được những cống hiến của các bậc tiền bối đã có những năm tháng không thể nào quên với đất và người Khánh Hòa. Khi tìm kiếm các tư liệu về 3 nhân vật, ông rất tâm đắc với chi tiết ông Nguyễn Minh Vỹ thốt lên: “Trong ngày vui hôm nay, có cả ba đứa Khánh Hòa trên bàn ngoại giao thật đáng tự hào”, khi tình cờ 3 người gặp lại nhau ở Hội nghị Paris sau một thời gian dài xa cách. Tên phim và mạch phim “Ba đứa chúng mình” cũng bắt nguồn từ đó.
Với thời lượng hơn 30 phút, bộ phim kể về câu chuyện nghĩa tình của 3 nhà báo: Nguyễn Minh Vỹ, Lý Văn Sáu, Võ Văn Sung, những người đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời của tờ Báo Thắng vào năm 1947 - tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay. Ông Nguyễn Minh Vỹ (tức Tôn Thất Vỹ) vốn mang dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn. Trong thời gian tham gia cách mạng ở Khánh Hòa, ông từng giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Khánh Hòa. Ông là chủ nhiệm đầu tiên của tờ Báo Thắng. Nhà báo Lý Văn Sáu (tức Nguyễn Bá Đàn) quê ở Nghệ An, là một trí thức trẻ yêu nước, tham gia cách mạng tại Khánh Hòa từ năm 1945 và là chủ bút đầu tiên của tờ Báo Thắng. Nhà báo Võ Văn Sung quê ở Huế, nhưng từ năm 17 tuổi đã tham gia đoàn quân nam tiến vào mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa năm 1945. Ông là Tổng Biên tập đầu tiên của tờ Báo Thắng. Sau này, trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, 3 người trải qua những nhiệm vụ khác nhau, nhưng trong tim mỗi người vẫn luôn giữ tình cảm thân thương của những người đồng chí, đồng đội và tình anh em. Để đến một ngày, không hẹn mà gặp, cả 3 người hội ngộ nhau ở thủ đô Paris. Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết chính thức vào ngày 27-1-1973, cả 3 ông đã cùng ôm chầm lấy nhau trong niềm hân hoan, hạnh phúc.
Trong phim, khán giả có dịp được xem những thước phim, hình ảnh tư liệu quý lần đầu được công bố về 3 nhà báo. Đó là hình ảnh ông Nguyễn Minh Vỹ, Võ Văn Sung tham gia Hội nghị Paris bên cạnh luật sư Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy; hình ảnh ông Lý Văn Sáu với vai trò phát ngôn viên của Chính phủ cách mạng lâm thời trong buổi họp báo với các phóng viên nước ngoài; hình ảnh các ông trong những buổi gặp Bác Hồ… Phim còn có những đoạn phỏng vấn 3 nhân vật chính được thực hiện từ năm 1997. “Những thước phim, hình ảnh tư liệu về 3 ông do những đồng nghiệp của tôi ở Đài Truyền hình Việt Nam thời bấy giờ thực hiện. Còn những đoạn phỏng vấn do chính bản thân tôi quay các ông từ hơn 20 năm trước”, đạo diễn Phạm Việt Tùng chia sẻ.
Phim tài liệu “Ba đứa chúng mình” sẽ lần đầu được chiếu chính thức trên chuyên mục Truyền hình Internet của Báo Khánh Hòa Online vào ngày 1-6, phát trên KTV ngày 2-6, sau đó sẽ được phát trên sóng một số đài truyền hình Trung ương và địa phương. |
Thông qua những tư liệu quý giá về 3 người sáng lập ra từ báo Thắng, khán giả có được cái nhìn đầy đủ về chặng đường hơn 70 năm hình thành, phát triển của Báo Khánh Hòa. Tờ báo không chỉ là tâm huyết của những người trực tiếp làm, mà còn là tình cảm của các tầng lớp nhân dân như chia sẻ của ông Trần Duy Hưng - Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa: “Khánh Hòa khi đó rất may mắn vì đã hội tụ được những con người hết sức tài năng, nhiệt huyết để đủ sức ra được một tờ báo. Những thế hệ đi trước đã vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh để duy trì và phát triển tờ Báo Thắng. Báo Khánh Hòa trong suốt thời gian vừa qua đã đi theo ánh sáng của tờ Báo Thắng”.
Đạo diễn Phạm Việt Tùng năm nay đã ở độ tuổi 80. Ở Khánh Hòa chưa đầy 10 năm, nhưng ông đã thực hiện được những bộ phim tài liệu về Khánh Hòa như: “Trái tim ông Năm” (về bác sĩ A.Yersin), “Ông Tiên của buôn làng” (về bác sĩ Kiều Xuân Cư) và nay là “Ba đứa chúng mình”. “Bộ phim này được hoàn thành đúng theo kế hoạch có một phần đóng góp lớn của các bạn trẻ trong vai trò xây dựng kịch bản, đạo diễn, biên tập, viết lời bình, quay phim, như: Chu Thùy Trang, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Nguyễn Mã Phương”, đạo diễn Phạm Việt Tùng cho biết.
Giang Đình