Những lần đi qua Ninh Hòa, tôi hay dừng lại để ăn một món đã trở thành danh thực: Bún cá Ninh Hòa. Món ăn đậm chất dân dã này đã được đưa vào Bách khoa toàn thư: "Bún cá Ninh Hòa là một món ngon đặc sản của vùng biển Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Những lần đi qua Ninh Hòa, tôi hay dừng lại để ăn một món ăn đã trở thành danh thực: Bún cá Ninh Hòa. Món ăn đậm chất dân dã này đã được đưa vào Bách khoa toàn thư: “Bún cá Ninh Hòa là một món ngon đặc sản của vùng biển Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Không nổi tiếng như phở, không lạ miệng như cao lầu, bún cá Ninh Hòa có nước trong và có vị ngọt thanh tao, hấp dẫn thấm đẫm mùi vị mặn mòi của xứ biển. Người Ninh Hòa dùng bún cá cả buổi sáng lẫn buổi tối”. Đó chỉ là dẫn dụ về một vùng đất mà tôi yêu quý. Ninh Hòa cũng đã có bề dày lịch sử hình thành 350 năm, và vóc dáng của miền đất ấy luôn thu hút người người tìm đến bởi những di tích, thắng cảnh, địa danh, cả những món ăn ngon không lẫn vào đâu được.
Trong những cuộc hành trình tìm đến ấy, tôi gặp Ninh Hòa trong nhiều nét chấm phá khác nhau. Đó là dãy núi Hòn Hèo như biểu trưng cho ý chí cách mạng, nơi mà trong cuộc kháng chiến là căn cứ địa cách mạng, được che chở bởi chính người dân Ninh Hòa. Đến nay, Hòn Hèo vẫn vững chãi làm bức tường thành ngăn cản những cơn bão ở Biển Đông tạo cho Ninh Hòa luôn có những ngày mùa no ấm. Cuộc hành trình dọc theo Hòn Hèo ấy có con đường bám núi, để cho thấy một làng biển Ninh Vân diễm tuyệt. Vùng biển kín gió ấy với những con thuyền ra khơi và trở về đầy ắp cá trong khoang. Có một làng nhỏ nơi này mà rất ít người biết đến là làng thuốc Bắc ở Ninh Thủy. Ngôi làng với những con đường nhỏ, những ngôi nhà với những bức tường gạch loang lổ theo thời gian. Cách đây cả trăm năm, đây là làng thuốc Bắc nổi tiếng cung cấp nguyên liệu cho nhiều tàu thuyền khi cập bến vùng biển này. Đây còn là một làng chài cổ, sát nách làng Bá Hà, đó là làng Ngân Hà nhìn ra vịnh Vân Phong, có cả một thềm biển cạn, nơi những loài nhuyễn thể sinh sống. Người dân nơi đây chọn bãi biển nước triều lên xuống này làm nghề bắt ốc, mò tôm sống qua ngày. Họ sử dụng thuyền thúng để ra khơi, thu mua hải sản từ các con thuyền sau khi đánh bắt trở về vì bãi biển ở đây rất cạn.
Tôi đã đến Ninh Hòa nhiều lần, đến nhiều địa danh khác nhau. Mỗi lần đến là mỗi lần khám phá, luôn gặp những điều mới mẻ. Dừng chân đôi khi chỉ để chen cùng với mọi người ăn tô bún cá của bà bán bún cá gánh trên con đường đi Dục Mỹ, mua xâu nem chua đem về hay uống trái dừa thơm ngọt Ninh Đa. Tôi thử nếm vị chát của hạt muối Ninh Diêm trong đất trời chang nắng và có khi ngủ đêm ở một khu du lịch hoang dã dưới chân núi Hòn Hèo, nơi những hồ tôm đang đợi ngày thu hoạch, nghe tiếng con tôm búng mình mà lòng cũng vui theo niềm vui của người dân. Tôi theo người dân ra tận vùng biển Ngọc Diêm, Ninh Ích xem nuôi vẹm xanh. Từ khi bắt đầu cắm những chiếc cọc xuống đất, nhân giống vẹm, vùng biển Ngọc Diêm đã không ngừng phát triển nghề nuôi vẹm xanh... Tôi phát hiện dòng nước ở đây như luôn ngả màu vàng phù sa. Trời cũng khéo tạo màu cho nước - và màu nước phù sa kia đã giúp cho người dân Ngọc Diêm một cách mưu sinh lạ: nuôi mà không tốn thức ăn.
Đôi khi tôi đến Ninh Hòa chỉ là cuộc hành trình ngang qua và dừng lại. Để đi qua con đường Trần Quý Cáp thân thuộc, dừng lại ở chợ Ninh Hòa nghe người buôn bán trò chuyện, ngắm dòng sông Dinh trôi nước về xuôi. Đôi khi chỉ dừng quán nước ven đường uống ly cà phê, thương cho nét thật thà của người dân. Ninh Hòa không chỉ có những con đường, giấu trong lòng thị xã đã 350 năm hình thành ấy là những vùng đất trời cho lộc, con người cần cù khai phá tạo thành. Để Ninh Hòa trở thành một thương hiệu rất riêng từ tô bún cá đơn giản, trái dừa xiêm ngọt Ninh Đa, bún lá Ninh Quang và biết bao nhiêu tấm lòng người luôn rộng mở.
LƯU CẨM VÂN