Sau Tết Kỷ Hợi, có một số bài viết, phóng sự ảnh về nét xuân Nha Trang. Không phải là du lịch biển đảo, di tích thân quen… mà là các mảng rêu xanh đầy mê hoặc ở bãi đá dưới chân Nhà khách T78 (Nha Trang View) hay theo hồi ức của người Nha Trang một thời chính là chân "Lầu ông Tư" - tức ngôi nhà thiên văn của nhà bác học nổi tiếng A. Yersin.
Sau Tết Kỷ Hợi, có một số bài viết, phóng sự ảnh về nét xuân Nha Trang. Không phải là du lịch biển đảo, di tích thân quen… mà là các mảng rêu xanh đầy mê hoặc ở bãi đá dưới chân Nhà khách T78 (Nha Trang View) hay theo hồi ức của người Nha Trang một thời chính là chân “Lầu ông Tư” - tức ngôi nhà thiên văn của nhà bác học nổi tiếng A. Yersin.
Cụ thể, trên các trang mạng điện tử như: Zing, VnExpress, Tuổi trẻ… đều đưa những ảnh chụp của các tay máy ở Nha Trang chụp bài bản về rêu từ không gian tới cận cảnh và không khí du xuân của mọi người ở bãi rêu đặc biệt này. Đấy chưa kể có nhiều trang mạng xã hội đăng tải đã gây hiệu ứng bùng nổ về “vườn rêu xuân’ này. Nhiều người đã ngỡ ngàng vì vẻ đẹp tiềm ẩn của rêu biển Nha Trang, qua hình ảnh mới hiểu rõ về vẻ đẹp của nó ngay sát dưới chân mình, bên con đường mình hàng ngày vẫn đi làm hay cả khi cùng bạn bè ra uống cà phê ăn sáng nhưng vô tình bỏ qua.
Trở lại với hiệu ứng xã hội với nét đẹp lạ lùng của những mảng rêu “Lầu ông Tư”. Hiện nay, đô thị Nha Trang thừa những công trình to lớn nhưng thiếu những mảng xanh thiên nhiên hoang dại. Trước kia, nói đến Nha Trang người ta luôn nghĩ đến thiên nhiên, một miền thùy dương cát trắng chứ không phải những công trình đồ sộ. Với bãi biển dài hơn 20km từ mũi Kê Gà tới Lầu Bảo Đại, xưa Nha Trang có vô vàn những mảng thiên nhiên hoang dã nổi tiếng như: Bãi Tiên, bãi Hòn Chồng, mảng san hô Hòn Đỏ, bãi cát vàng chân cầu Trần Phú… nhưng hiện nay đều đã biến mất vì các công trình san lấp và đó là điều đáng tiếc. Với “Lầu ông Tư”, dù ngôi nhà trắng có vòm thiên văn nổi tiếng đã không còn nhưng dấu vết trong ký ức của lớp người chưa quá lớn tuổi thì chưa phai mờ. Việc rêu xuất hiện ở nơi này cũng kỳ lạ vì thực tế là bãi đá chắn sóng nhân tạo có phần thô kệch, tuy nhiên biển cả đã khoác lên những phiến đá mảng bê tông xám úa một màu áo rêu xanh rực rỡ. Không phải quanh năm mà cứ dịp đầu xuân, khi những cơn sóng chướng gió mùa dịu lại thì rêu bắt đầu mọc, phủ kín tất cả, thành một cánh đồng rêu đầy hư ảo. So với các bãi rêu nổi tiếng ở Phú Yên hay Bình Thuận thì bãi rêu “Lầu ông Tư” không lớn, không kỳ ảo, càng không hoang dại nhưng vị trí địa lợi thì các bãi khác không sao sánh được: ngay trung tâm thành phố và gắn với một di tích lịch sử hàng trăm năm, do đó đã thu hút du khách tới đây. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây chụp ảnh kỷ niệm - đó chính là hình ảnh khác lạ đầy mê hoặc của Nha Trang.
Bãi rêu “Lầu ông Tư” thực sự là vẻ đẹp tiềm ẩn mà cực kỳ ấn tượng về Nha Trang, nó đem lại một thông điệp lớn: với Nha Trang dù là một góc biển nhỏ cũng đẹp, cũng lạ và ấn tượng! Do vậy, đã đến lúc các nhà quản lý tính tới phương án bảo vệ giữ gìn bãi rêu hiếm này. Vì hiện nay, hàng ngày có hàng trăm du khách tới đây chụp ảnh nhưng cũng có nhiều người tới khai thác thô: bóc, cạo, vặt rêu về làm thức ăn, mồi câu cá, nuôi cá cảnh… Do vậy cần có hành động cụ thể để bảo vệ mảng thiên nhiên này.
Chúng ta biết rằng nhờ phim ảnh, nghệ thuật và giờ đây là mạng xã hội, nét đẹp thiên nhiên hoang dã sẽ đem lại lợi ích cho địa phương, nhất là ngành Du lịch.
Dương Trang Hương