10:03, 13/03/2018

Thành cổ Diên Khánh: Gắn di tích với du lịch

Dự án trùng tu Thành cổ Diên Khánh giai đoạn 2 đang được tỉnh xem xét thông qua. Dự án được triển khai sẽ là điểm nhấn trong các tour, tuyến du lịch ở Diên Khánh.

Dự án trùng tu Thành cổ Diên Khánh giai đoạn 2 đang được tỉnh xem xét thông qua. Dự án được triển khai sẽ là điểm nhấn trong các tour, tuyến du lịch ở Diên Khánh.

Mong đợi triển khai dự án


Thành cổ Diên Khánh được công nhận di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia vào tháng 11-1988. Qua gần 30 năm, khu vực 1 của thành tính từ tim thành đi ra 25m là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa. Chính vì vậy, các công trình, nhà dân nằm trong phạm vi này đều không được sửa chữa, xây mới. “Hiện nay có khoảng 35 hộ nằm trong khu vực bảo vệ thành cổ. Các hộ này đã nhiều lần kiến nghị lên huyện để tháo gỡ giúp họ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Nhưng huyện cũng không biết làm sao vì không thể làm trái luật”, bà Nguyễn Thị Kim Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết.

 

Các thành viên đoàn khảo sát HĐND tỉnh đi tìm hiểu thực tế di tích Thành cổ Diên Khánh.

Các thành viên đoàn khảo sát HĐND tỉnh đi tìm hiểu thực tế di tích Thành cổ Diên Khánh.


Ông Nguyễn Văn Ghi - Bí thư Huyện ủy Diên Khánh thông tin, năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 1 trùng tu Thành cổ Diên Khánh với tổng kinh phí 35,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên trong giai đoạn 2012 - 2013 chỉ thực hiện được một phần với kinh phí 17,8 tỷ đồng. “Mới đây, lãnh đạo huyện cùng Sở Văn hóa và Thể thao đã có buổi làm việc với đoàn khảo sát của HĐND tỉnh về dự án trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh. Đây có thể xem là tiền đề cho việc xem xét phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh giai đoạn 2”, ông Nguyễn Văn Ghi nói.


Gắn di tích với du lịch


Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Giai đoạn 1 của dự án chỉ dừng lại ở việc bảo vệ di tích tránh bị xâm phạm chứ chưa thể phát huy được vào các hoạt động khác. Trong giai đoạn 2, HĐND tỉnh đã thống nhất chọn phương án thực hiện nên chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh trình lên Thường trực HĐND tỉnh xem xét phê duyệt phương án”.

 

Ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư nên chọn những hạng mục nào dễ thì làm trước. Cần quan tâm đến việc kêu gọi xã hội hóa sau khi dự án có sự đầu tư. Đặc biệt phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh gắn liền với hoạt động du lịch. Các đơn vị liên quan cần phải triển khai nhanh các bước cần thiết để đến tháng 6 HĐND tỉnh sẽ thông qua việc thu hồi đất thực hiện dự án…

Theo phương án này, việc trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh sẽ gồm các hạng mục như: phục chế thành đất có chiều dài khoảng 900m; các tiểu công viên; trồng cây xanh; nhà vệ sinh; hệ thống điện chiếu sáng; xây mới cầu vòm bắc qua hào nước ở cửa Hậu; xây mới tuyến đường nằm ngoài đường ranh giới bảo vệ; hệ thống thoát nước cho hào nước bao quanh thành… Từ tim thành trở ra 25m sẽ được giải tỏa trắng, di dời toàn bộ 35 hộ. Kinh phí đầu tư dự án hơn 70,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí chi bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 45 tỷ đồng.


Theo bà Nguyễn Thị Kim Hương, để phục vụ cho dự án này, huyện đã chuẩn bị sẵn quỹ đất ở vị trí đẹp, hệ thống đường nội bộ và điện chiếu sáng đã được thực hiện xong để nố trí tái định cư cho 35 hộ thuộc diện bị giải tỏa trắng.


Ông Nguyễn Văn Ghi cho biết, dự án trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh rất quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch của địa phương. Bởi ngay phía cổng Hậu (cửa Bắc) của thành sẽ kết nối với khu vực quy hoạch bến thuyền và khu nhà cổ phục vụ du lịch ở gần tượng đài cầu Thành. Phía bên kia sông Cái là di tích Văn miếu Diên Khánh, xung quanh đó là khu vực làng nghề truyền thống của người dân. “Chúng tôi hướng tới loại hình du lịch tham quan, dã ngoại các di tích lịch sử, văn hóa, nghề thủ công truyền thống, tìm hiểu cuộc sống người dân địa phương. Chính vì thế, khi dự án được hoàn thành sẽ là điểm nhấn trong các tour, tuyến du lịch ở Diên Khánh”, ông Nguyễn Văn Ghi chia sẻ.


Giang Đình