10:01, 09/01/2018

Thực hiện hơn 100 tập phim "Mẹ Việt" về tín ngưỡng thờ Mẫu

Đơn vị sản xuất bộ phim "Mẹ Việt" - Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vừa chính thức bấm máy, khởi quay bộ phim với thời lượng dài hơn 100 tập, dự kiến ra mắt vào đầu Xuân Mậu Tuất.
 

Đơn vị sản xuất bộ phim “Mẹ Việt” - Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vừa chính thức bấm máy, khởi quay bộ phim với thời lượng dài hơn 100 tập, dự kiến ra mắt vào đầu Xuân Mậu Tuất.
 
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là một trong 12 di sản văn hóa phi vật thể và hơn 20 di sản văn hóa và di sản thiên nhiên của nhân loại được UNESCO công nhận ở Việt Nam. Tuy nhiên, tín ngưỡng này đang gặp nhiều tồn tại và thách thức, đó là sự biến tướng, thương mại hóa. 
 
Để công chúng hiểu rõ hơn giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, Công ty Văn hoá Nhật Nguyệt và Kênh truyền hình An Viên thực hiện series phim dài 108 tập có tên “Mẹ Việt”. Toàn bộ phim được thực hiện nhằm mang đến cho công chúng cái nhìn khái quát nhất, những thông tin chuẩn mực về tín ngưỡng, cách thực hành tín ngưỡng, những nét đẹp, đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

 

Tái hiện một giá hầu trên sân khấu trong buổi giới thiệu dự án phim “Mẹ Việt”.
Tái hiện một giá hầu trên sân khấu trong buổi giới thiệu dự án phim “Mẹ Việt”.
 
Tối 7-1, trong buổi họp báo khởi quay bộ phim, bà Đàm Lan, Giám đốc Công ty Văn hoá Nhật Nguyệt, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất bộ phim cho biết, “Mẹ Việt” được chia thành 4 phần với 4 chủ đề riêng nhưng không thể tách rời nhau. 
 
Phần 1: Giới thiệu tổng quan về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Trong phần này nội dung chính sẽ tập trung vào việc người Việt bắt đầu thờ Thần linh từ khi nào và dựa trên nền tảng nào... 
 
Phần 2: Tập trung giải thích Tứ phủ là gì, vai trò của Tứ phủ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu...; 
 
Phần 3: Giới thiệu và giải tích các vị thánh trong Tứ Phủ, đó có thể là những nhân vật lịch sử, những vị thần trong các tích truyện, đền thờ chính của các vị thánh này ở đâu, việc thực hành tín ngưỡng với các vị thánh như thế nào;
 
Phần 4: Tín ngưỡng thờ Mẫu xưa và nay, những điều gì chúng ta cần bảo tồn, phát huy cho phù hợp và ngày càng cao đẹp hơn, hoàn thiện hơn và điều gì cần loại bỏ để tránh “mê tín dị đoan”…
 
Chia sẻ với báo giới, bà Đàm Lan khẳng định, đơn vị sản xuất đã xây dựng đội ngũ cố vấn cho chương trình, bao gồm nhiền tên tuổi lớn của lĩnh vực văn hóa phi vật thể, trong đó có cả những người đã làm luận văn tiến sĩ về đề tài Tín ngưỡng văn hóa Thờ Mẫu. Bên cạnh đó, ekip thực hiện còn có sự trợ giúp của các thủ nhang, đồng đền, thầy cúng có tiếng mà họ còn lưu giữ lại được các văn tự, những bài cúng cổ từ ngày xưa, những bản hát văn cổ bằng tiếng Hán.

 

Ekip thực hiện phim “Mẹ Việt” chia sẻ về bộ phim.
Ekip thực hiện phim “Mẹ Việt” chia sẻ về bộ phim.
 
Trả lời về việc làm thế nào để “chuẩn hóa” tư liệu trong bộ phim “Mẹ Việt” khi mà ngày nay, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu còn đang gây nhiều tranh cãi giữa những nhà khoa học, những thầy đồng hành lễ cũng có những cách riêng, bà Đàm Lan khẳng định, bộ phim muốn mang đến một sự hiểu biết cơ bản và thống nhất cho công chúng về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và sẽ cố gắng giữ nguyên tính chất vùng miền không bị sai lệch. 
 
“Cái hay của tín ngưỡng thờ Mẫu là tính vùng miền, những cách hành lễ còn lưu truyền trong dân gian. Mỗi một nơi sẽ có những cách hành lễ riêng, nhưng vẫn có những nghi thức cơ bản cần phải chuẩn, đó là sự thành tâm, thành kính. Chúng tôi sẽ tập trung thể hiện vào những nét đẹp đó, chứ không đi vào phân tích việc thực hành tín ngưỡng ở tỉnh này đúng, tỉnh kia sai”, bà Đàm Lan chia sẻ.
 
Đảm nhiệm vai trò đạo diễn của series phim này, đạo diễn Nguyễn Quốc Quân cho biết, các thước phim sẽ được thực hiện ở nhiều đền, phủ ở khắp cả nước. Mục đích của bộ phim là đề cao giá trị, nét đẹp văn hóa của tín ngưỡng nên phim sẽ đi vào khai thác những yếu tố về mặt duy mĩ và duy tâm. Mỗi một tập phim dài khoảng 12 – 15 phút, được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, khi là dạng kể chuyện của nhân vật, khi là cách thức thực hiện một giá chầu, có tập thì phục dựng lại hình ảnh thực hành Tín ngưỡng xưa… Từng chi tiết, sự chuẩn mực của phim sẽ được đội ngũ cố vấn, chuyên gia tư vấn và sẽ có hậu kiểm chặt chẽ trước khi giới thiệu tới công chúng.
 
Hiện nay, ekip thực hiện đã chuyển thể kịch bản văn học được 50 tập và đã bắt đầu bấm máy ghi hình. Phim dự kiến ra mắt vào đầu Xuân Mậu Tuất.
 
Theo Hà Nội Mới