10:01, 05/01/2018

Đất trung du

Một miền trung du xa xôi hay một dòng sông Dinh gần gụi thì cũng đều là quê nhà ấy thôi. Chỉ hai tiếng "quê nhà" mà cứ mãi miên man, miên man. Ừ thì quê người ta đó, như một nỗi gì cứ lắng lại mà giăng mắc suốt đời.

Một miền trung du xa xôi hay một dòng sông Dinh gần gụi thì cũng đều là quê nhà ấy thôi. Chỉ hai tiếng “quê nhà” mà cứ mãi miên man, miên man. Ừ thì quê người ta đó, như một nỗi gì cứ lắng lại mà giăng mắc suốt đời. Ừ thì tình người ta đó, với quê, như một thứ của để dành, bao giờ cũng muốn chực trào ra, mà nhớ, mà kể cho hết những nỗi mình còn hoài trong thương nhớ...

Đất trung du “Đồi trung du phơ phất bóng thông già…”


Câu thơ ấy kể từ khi một lần bất chợt gặp, cứ mãi ngân trong tâm trí, theo suốt bước chân trên mọi nẻo đường đời, mặc định trong mình đó là hình ảnh của miền trung du thân thương. Mặc dù ký ức tuổi thơ trong trẻo với những hình ảnh in sâu trong tâm trí, trung du trong tâm thức là những rừng cọ, đồi chè, những đồi sim mua tím ngút mắt, những ngôi nhà lợp lá cũ kỹ dưới bóng vườn tím ngắt hoa xoan.

 

Ai cũng một thời học trò, phải học thuộc lòng những câu thơ: “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi/Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt/Nắng chói sông Lô, hò ơ tiếng hát…”. Bao nhiêu thế hệ tuổi thơ đã lanh lảnh hát câu  “Hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì/ Cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi…”. Bao nhiêu thế hệ đã say sưa nghe trường ca Sông Lô của người nhạc sĩ tài hoa Văn Cao… Thương vùng đất trung du đồi như bát úp, có chi thơ mộng mà văn thơ viết về vùng đất này cứ đắm say, níu kéo lòng người đến vậy?


“Khi ta ở đất chỉ là nơi ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn…”. Vùng đất trung du trong thẳm sâu ký ức với những kỷ niệm buồn vui luôn hiện lên sống động. Ấy là những địa danh gắn liền với những kỷ niệm trẻ thơ, ấy là những gương mặt thân thương in vào trí nhớ, ấy là những tiếng địa phương bao nhiêu năm mới lại nghe ngộ nghĩnh đến phát cười, ấy là tấm lòng hồn hậu của người trung du, chân tình, mộc mạc... Ai sinh ra cũng có một miền quê, để suốt đời thương nhớ. Để ta bâng khuâng nhớ về quê những phút chiều buông, trong một buổi sáng mai thơm ngát hương trà, trong đêm giao thừa đầm ấm khói nhang trầm.

 

Tượng đài chiến thắng Sông Lô 1947.

Tượng đài chiến thắng Sông Lô 1947.

 

Mỗi khi có dịp quay trở về, bạn bè và những người thân lại chèo kéo phải đến ăn với mỗi nhà một bữa cơm. Bao nhiêu món ngon nhưng vẫn thích được ăn những món ngày xưa của một thời đói khổ. Này là món canh rau sắn nhặt ở bờ rào, hay rau lang luộc, hay món trạch kho hoa riềng… Bạn cười hể hả, nói giờ mấy món quê vào nhà hàng, thành đặc sản tuốt rồi đó nhé. Rau sắn muối chua này, cá trắm ướp riềng nướng than này, canh cua rau đay… Đã được đi bao nhiêu nơi, ăn bao nhiêu món mà sao món quê xưa hương vị cứ dùng dằng. Nghe tâm sự, bạn cười như nhà hiền triết: Ấy là bởi ông ăn bằng cảm xúc tuổi thơ, của ký ức tưởng như đã nhạt nhòa...


Có được trở về quê cũ, lang thang tìm lại dấu chân mình thuở bé thơ mới thấy chợt nhận ra sao quê mình nhỏ quá. Ngày ấy cái gì ngoài lũy tre làng cũng xa xôi, diệu vợi... Những địa danh xưa thấy cách xa nhau lăng lắc, giờ trở về thấy gần xịch, đi ba bước chân đã hết.


Những quả đồi lúp xúp, ngày xưa là những nương sắn màu mỡ, giờ thấy san sát là tràm, là bạch đàn, là những ngôi nhà chen vào chợt khiến lòng chùng xuống. Người sinh sôi thì đồi đất nhỏ đi. Thấy trong lòng tự dưng bị mất mát thật nhiều, bởi đất sau khi trồng bạch đàn đồi sẽ không còn cây gì mọc nổi, cỗi cằn. Tự dặn lòng thôi thì cuộc sống bắt buộc phải thế, chẳng ai có thể giữ mãi nếp xưa được. Những con đường mới mở chạy dài tít tắp, những khu công nghiệp mới tinh trên những quả đồi mới san đỏ ối, cái vùng đất đặc trưng rồi cũng hóa như bao vùng đất khác, những hình ảnh xưa chỉ còn trong ký ức của những người hoài cổ. Đứng bên tượng đài kỷ niệm chiến thắng Sông Lô thu đông 1947, nhìn dòng sông Lô nước xám lênh loang, bỗng đâu như nén một nhịp thở dài.


Bờ sông Lô kia bát ngát nương ngô, nương rau cải vàng hoa rực rỡ thuở bé, giờ đây chỉ thấy nhộn nhịp tàu thuyền, những chuyến xà lan chở cát nặng oằn với khói đen u tối mặt sông. Ký ức xa xưa sao cách biệt với thực tại...


Có một trung du của ký ức, xa lạ rất nhiều với một trung du của hôm nay. Ai đó có nhớ về vùng trung du, xin đừng dùng dằng, bởi sợ nhỡ mai này chỉ còn một trung du bằng hương của ký ức, bằng hoài niệm cất giấu đâu trong xa thẳm tâm hồn.


Thủy Ngân